Những thói quen "vừa dùng vừa phá" khiến laptop "chết" nhanh chóng
Thói quen sử dụng laptop tùy tiện, quăng quật, thậm chí nâng niu nhưng không đúng cách cũng khiến laptop của bạn mau hỏng và xuống cấp nhanh chóng.
Người dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và áp dụng nếu không muốn phải nhanh chóng thay thế bằng một chiếc máy khác.
1. Đặt laptop trên giường
Nếu bạn đặt laptop trên giường, phản, chiếu gỗ thì vấn đề có thể sẽ không nghiêm trọng lắm. Đó là xét dưới góc độ bảo vệ máy, còn với cơ thể của bạn thì không chắc. Thói quen vừa nằm vừa dùng laptop, tư thế không chuẩn có thể dẫn đến những nguy cơ về xương khớp, mắt, mỏi cơ đối với người dùng.
Còn nếu bạn thường xuyên đặt laptop trên giường đệm, nguy cơ với máy sẽ cao hơn. Theo đó, thiết bị sẽ khó thoát nhiệt và nhanh chóng bị nóng lên, giảm tuổi thọ của pin và các linh kiện điện tử bên trong.
2. Đặt nhiều đồ lên trên thân máy
Bạn nghĩ rằng một vài quyển sách, vở sẽ không đáng kể gì so với khả năng chịu đựng của máy tính. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp đặt nhẹ nhàng và để yên trên thân máy. Bạn có chắc là mình luôn thực hiện đúng với quy trình này không?
Lưu ý là màn hình laptop rất dễ bị tổn thương nếu phải chịu những va đập “vô duyên” không ngờ tới. Và chỉ cần một vệt nhỏ thôi, chi phí thay thế màn hình mà bạn phải bỏ ra sẽ là khá lớn.
3. Va đập, va đập và va đập
Bạn cho rằng, những va đập nhẹ sẽ không ảnh hưởng gì tới máy và yên tâm sau mỗi lần va chạm đó, máy vẫn hoạt động mượt mà, không “xi nhê”. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Sự hỏng hóc có thể không đột ngột hiện ra cho bạn thấy. Các linh kiện sẽ dần bị lỏng lẻo, xê dịch trong âm thầm và bạn chỉ biết được khi nó đã chính thức hỏng và hỏng khá nặng.
Hãy so sánh chi phí để sắm một chiếc túi chống sốc hay ba lô xịn với chi phí để sửa máy và cân nhắc xem bạn muốn áp dụng phương án nào để bảo vệ máy của mình.
Túi chống sốc sẽ là cần thiết nếu bạn là người hay quăng quật đồ.
4. Vừa ăn uống vừa ngồi máy tính
Bạn rất cẩn thận khi sử dụng đồ ăn thức uống bên cạnh máy tính nhưng hãy nhớ rằng có thể những người xung quanh không được cẩn thận như bạn. Chỉ cần bạn giật mình hoặc có ai vô tình va vào bạn lúc bạn đang cầm cốc nước trên tay là bạn đã “lãnh đủ”.
Vừa ăn uống vừa dùng máy tính là một thói quen xấu xí của nhiều người.
Tạm thời không nói đến đồ uống mà hãy nói đến đồ ăn khô, bạn cũng chắc chắn là không bao giờ làm rơi vụn bánh xuống bàn phím chứ? Kẹt phím PC thì dễ xử lý hơn nhưng với laptop thì không đơn giản chút nào. Bạn vừa mất thời gian, tốn tiền mà có thể máy đã mất “zin” sẽ không bao giờ có thể trở lại trạng thái êm mượt ban đầu.
5. Nâng niu không đúng cách
Màn hình máy tính không giống như các loại màn hình kính thông thường, nếu bạn vệ sinh không đúng cách có thể dẫn đến việc xây xước màn hình.Vì vậy hãy nhớ sử dụng dụng cụ và nước tẩy rửa chuyên dụng để màn hình luôn sạch và sáng.
Chỉ vệ sinh máy với dụng cụ và hóa chất chuyên dùng.
Ngoại trừ laptop có màn hình cảm ứng ra, việc bạn thường xuyên chạm tay để lau chùi vết bẩn hay dùng ngòi bút để “chỉ” trực tiếp vào máy có thể để lại những vết, thậm chí tạo ra điểm chết trên màn hình.
Bạn vẫn có thể tiếp tục dùng được màn hình dính lỗi này, tuy nhiên nó sẽ thật khó chịu. Còn nếu không muốn “sống chung với lũ”, bạn phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để khắc phục lỗi ngớ ngẩn này.
6. Tự phong chuyên gia, táy máy quá mức
Bên trong laptop có rất nhiều linh kiện, thiết bị nhỏ nhặt, chỉ cần có một sai lệch nhỏ cũng đủ khiến máy hỏng tắp lự. Vì vậy, nếu bạn không phải là người chuyên nghiệp, khi máy có vấn đề, hãy mang đến những trung tâm uy tín để sửa chữa.
Chúng tôi chỉ khuyên bạn tự khắc phục những lỗi cơ bản với điều kiện có thiết bị chuyên dụng ở trong tay. Và chỉ khi bạn thực sự chắc chắn rằng mình hiểu về cấu tạo máy tính và tự chịu trách nhiệm về sự “táy máy” quá mức thì hãy “mổ xẻ” laptop của mình.
7. Tắt máy không đúng cách
Vì lười, vì nghĩ máy tính của mình bền “vô địch” mà nhiều người thường bỏ qua các thao tác tắt máy cơ bản, bấm nút shutdown rồi yên tâm gập máy lại. Hãy tin rằng, chỉ tắt máy như vậy một thời gian, bạn sẽ gặp phải vô số lỗi trên máy. Không chỉ lỗi về phần mềm, máy cũng sẽ vấp phải các lỗi phần cứng khó sửa chữa, buộc phải thay thế linh kiện đắt tiền như CPU, HDD,…
Tắt trực tiếp máy tính bằng phím nguồn sẽ gây hại cho máy.
8. Cập nhật phần mềm độc hại, xem web "đen"
Không phải tất cả ứng dụng miễn phí đều độc hại, bạn vẫn có thể tải chúng về và sử dụng với điều kiện nó phải đến từ những nhà cung cấp uy tín.
Tải phần mềm không rõ nguồn gốc sẽ khiến bạn đối mặt với những nguy cơ virus độc hại xâm nhập.
Bên cạnh đó, một số người còn thường xuyên truy cập vào các web đen trên laptop của mình. Lúc này, người dùng sẽ phải đối diện với những nguy cơ như máy bị xâm nhập, bị dính ransomware (mã độc tống tiền), bị lộ thông tin ngân hàng, thông tin nhạy cảm…
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các loại mã độc đào tiền ảo sẽ khiến cho máy tính của bạn hoạt động mệt hơn, ngốn nhiều điện hơn đồng nghĩa với pin và các phần cứng khác mau xuống cấp.
Tóm lại: Hãy tìm hiểu và sử dụng laptop của mình một cách đúng mực, thông thái. Có như vậy, bạn mới gắn bó lâu dài được với chiếc máy tính xách tay của mình.
Mất tiếng hay loa không hoạt động là một trong những vấn đề thường gặp nhất khi chúng ta xài máy tính, không chỉ laptop...