Những sự kiện thiên văn lớn năm 2021

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Hai lần nguyệt thực, nhiều trận mưa sao băng đẹp, siêu trăng là những sự kiện thiên văn đáng mong đợi của năm 2021.

Nguyệt thực toàn phần

Nguyệt thực toàn phần xảy ra ngày 26/5/2021, được coi là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất năm 2021. Lần nguyệt thực này có thể được quan sát ở một vùng rộng lớn trên khắp Thái Bình Dương, phần phía Đông của Châu Á, Nhật Bản, Châu Úc và phía Tây của Bắc Mĩ. Tại Việt Nam, có thể theo dõi pha một phần và pha nửa tối ngay trước khi hiện tượng kết thúc, riêng một phần của Nam bộ có thể quan sát được pha toàn phần. 

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng tối của bóng Trái Đất khiến nó chuyển màu đỏ sẫm nên nhiều người còn gọi là hiện tượng “trăng máu”. Ở pha một phần mà Việt Nam có thể quan sát, Mặt Trăng sẽ chuyển màu đỏ nhạt.

Nguyệt thực toàn phần ngày 26/5 là sự kiện thiên văn đáng mong đợi nhất năm 2021. Trong ảnh là hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ xảy ra vào đêm 27/2/2018.  Ảnh: Guardian

Nguyệt thực toàn phần ngày 26/5 là sự kiện thiên văn đáng mong đợi nhất năm 2021. Trong ảnh là hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ xảy ra vào đêm 27/2/2018.  Ảnh: Guardian

Nguyệt thực một phần

Nguyệt thực một phần xảy ra ngày 19/11. Việt Nam có thể quan sát được hiện tượng này nhưng tỷ lệ che phủ thấp hơn nhiều sự kiện ngày 26/5.

Siêu trăng

Năm 2021 ghi nhận 2 lần siêu trăng - mặt trăng sáng hơn và to hơn khi nhìn từ Trái Đất. Lần thứ nhất xảy ra ngày 26/5, trùng với thời gian xảy ra nguyệt thực toàn phần. Vì vậy đây sẽ là sự kiện thiên văn rất thú vị của năm. Lần siêu trăng thứ hai xảy ra vào 25/6, tức ngày rằm tháng 5 âm lịch.

Mưa sao băng

Ngay đêm 2/1 rạng sáng 3/1, người yêu thiên văn có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadrantids - trận mưa sao băng trên mức trung bình với tuần suất cực đại có thể lên tới 40 sao băng mỗi giờ. Mưa sao băng Quadrantids có nguồn gốc từ các hạt bụi còn sót lại của một sao chổi đã không còn tồn tại là 2003 EH1, phát hiện vào năm 2003. Mưa sao băng Quadrantids thường diễn ra từ ngày 1-5/1 hằng năm, đạt cực đại vào đêm 2/1 rạng sáng 3/1.

Sau mưa sao băng Quadrantids sẽ còn 9 trận mưa sao băng khác trong năm 2021. Đáng chú ý nhất là mưa sao băng Perseids và mưa sao băng Geminids - hai trận mưa sao băng đẹp nhất năm.

Nhiều trận mưa sao băng đẹp sẽ diễn ra trong năm 2021

Nhiều trận mưa sao băng đẹp sẽ diễn ra trong năm 2021

Mưa sao băng Perseids diễn ra từ ngày 17/7 đến 24/8 hằng năm, đạt cực đại vào đêm 12 rạng sáng 13/8 với tần suất có thể tới 60-80 vệt sao băng/giờ. Có nguồn gốc từ tàn dư của sao chổi Swift-Tutle được phát hiện vào năm 1862, mưa sao băng Perseids nổi tiếng với nhiều sao băng sáng đẹp. 

Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982. Trận mưa sao băng này diễn ra hằng năm từ ngày 7-17/12, đạt cực đại vào đêm 13 rạng sáng 14 với tần suất có thể lên tới 80 vệt sao băng/giờ.

Năm 2021 cũng có nhiều sự kiện thiên văn đáng chú ý khác, nhưng Việt Nam không quan sát được như nhật thực toàn phần ngày 4/12 trên bán đảo Nam Cực, nhật thực hình khuyên diễn ra ngày 10/6 tại Bắc Mỹ, châu Âu và một phần châu Á.

Đám mây lạ phát sáng xanh ở Nam Cực: có nguồn gốc ngoài hành tinh

Những đám mây dạ quang ở Nam Cực được sinh ra từ sự kết hợp giữa các yếu tố trên Trái Đất và vật chất đến từ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN