Những điều chưa kể về Nền tảng tiêm chủng COVID-19 Quốc gia
"Em đặt bài toán, còn lại là anh làm, nhưng mà không có đồng nào đâu nhé! Trong lúc dịch bùng phát, ngành y tế ở tuyến đầu vô vàn khó khăn, anh Long nói vậy thì ai có thể từ chối được", Bộ trưởng Bộ TT&TT nói về sự khởi đầu.
Chiều 16/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nội dung về tiêm chủng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, ông Hùng cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng nói với ông cách đây 4 tháng về việc chia lửa trong các hệ thống CNTT phòng, chống dịch COVID-19.
"Em đặt bài toán, còn lại là anh làm, nhưng mà không có đồng nào đâu nhé! Trong lúc dịch bùng phát, ngành y tế ở tuyến đầu vô vàn khó khăn, anh Long nói vậy thì ai có thể từ chối được", ông Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo ông Hùng, lúc đầu, ông chỉ nghĩ là làm cái phần mềm rồi đưa cho ngành y tế dùng là xong. Nhưng đâu có biết rằng, câu nói của ông Long “còn lại là anh làm” tức là tất cả, từ khâu đầu tư hạ tầng, đến phát triển phần mềm, đến đào tạo, đến triển khai, đến vận hành và đến việc chịu mọi trách nhiệm về các tồn tại không chỉ của phần mềm mà là của cả việc cán bộ y tế nhập liệu sai và sót, rồi vấn đề phần mềm trung ương và địa phương, vấn đề kết nối liên thông dữ liệu, của anh của tôi, vấn đề bảo mật thông tin,...
"Ngẫm lại mới thấy anh Long là người nhìn xa trông rộng. Nếu không chuyển sang ông Hùng mà anh Long đứng ra triển khai và chịu thêm những áp lực này thì chắc không tải nổi. Nhưng tôi cũng thấy vui vì ngành TT&TT thực sự đã chia được một chút lửa với ngành y tế", Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
"Và cũng qua đây mới thấm thía, viết một phần mềm chạy được nếu công sức là 1 thì để làm cho nó tiện lợi, người dùng, người dân có thể chấp nhận thì công sức phải bỏ ra 10 lần nữa. Nhưng để triển khai nó trên toàn quốc, để nền tảng số trở thành công cụ thân thuộc hàng ngày của các cơ sở y tế thì công sức bỏ ra là 100 lần", ông Hùng bày tỏ thêm.
Trong hoàn cảnh đó, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã ra đời với sự chung tay của hơn 20 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với một hệ thống phần cứng giá trị hàng ngàn tỉ đồng do các doanh nghiệp hỗ trợ, hàng trăm lập trình viên làm việc ngày đêm, hàng ngàn người triển khai và vận hành hệ thống. Mọi người đi vào tâm dịch và ở tại đó 4 tháng nay.
Nền tảng tiêm chủng COVID-19 này có phần cứng hàng chục ngàn CPU, với phần mềm do hàng trăm người phát triển trong nhiều tháng, với hàng ngàn người tham gia triển khai trên toàn quốc, với trên 10.000 cơ sở tiêm chủng toàn quốc sử dụng hàng ngày.
Hệ thống có khả năng quản lý 5 triệu mũi tiêm mỗi ngày và dữ liệu liên quan đến hàng trăm triệu người dân, có thể xem đây là nền tảng công nghệ số lớn nhất của ngành y tế, và có lẽ cũng là của Việt Nam. Đó là chưa nói tới hệ thống này vừa phát triển, vừa triển khai trong một thời gian rất ngắn để đáp ứng các yêu cầu phục vụ phòng chống dịch.
"Đúng như anh Long yêu cầu “nhưng không có đồng nào đâu nhé”. Có lẽ, chỉ có người Việt Nam chúng ta là có tinh thần này, nhất là những lúc nguy nan", ông Hùng phát biểu tại hội nghị.
Trong quá trình triển khai, có rất nhiều thứ lộ ra và đã được điều chỉnh kịp thời, là vì nền tảng này do người Việt Nam phát triển và làm chủ. Để đến hôm nay, Bộ Y tế, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã hướng dẫn triển khai trên toàn quốc. Thời gian tới sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện, giống như cuộc sống không bao giờ dừng lại; nhưng phần cơ bản đã sẵn sàng, các vấn đề phát sinh đã được xử lý.
"Dùng phần mềm là thay đổi một thói quen, mà thay đổi thói quen thì không dễ. Nó vẫn phải bắt đầu từ quy định của Bộ Y tế về việc bắt buộc phải dùng phần mềm để quản lý tiêm chủng. 200 triệu, rồi 300 triệu mũi tiêm, có thể còn hơn nữa thì không còn cách nào khác là quản lý bằng công nghệ", Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng nhận định: Người sử dụng là các cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng chắc chắn sẽ bỡ ngỡ, sẽ muốn làm bằng giấy như cũ. Nhưng chỉ sau một vài ngày là sẽ quen, sẽ thấy tiện lợi. Cái khó là vượt qua những ngày đầu này. Bởi vậy, hỗ trợ triển khai của Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an, các Sở Y tế, TT&TT, Công an và của công ty phát triển phần mềm là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Người dân sẽ là người thấy được tiện ích lớn nhất, từ đăng ký tiêm, đến trả kết quả, đến dùng kết quả tiêm để đi lại theo quy định của Bộ Y tế. Và đây mới là mục tiêu cuối cùng của chúng ta.
Ông Hùng nhận định, thành công của một nền tảng số vẫn phải là ở cả hai, người phát triển và người sử dụng. Nhưng người sử dụng là 70 - 80%. Bởi vì, các công nghệ hiện nay đã sẵn sàng để đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người sử dụng. Giờ đây chỉ cần người sử dụng đặt rõ bài toán. Và quyết tâm sử dụng công nghệ của ngành Y tế vẫn là quan trọng nhất, mang tính quyết định.
Trong sử dụng nền tảng số toàn quốc thì điều tối kỵ là lúc dùng trong hệ thống lúc dùng ngoài hệ thống. Nếu vẫn giữ thói quen này, đây là thói quen của thời CNTT, hoàn toàn không hợp với thời công nghệ số khi mà các hệ thống CNTT rời rạc được thay bằng một nền tảng số duy nhất.
"Đây là điều tôi rất và rất muốn nhấn mạnh với anh Long - Bộ trưởng và với ngành Y tế. Nếu muốn hiệu quả thì phải dùng bắt buộc, 100% phải được dùng trong hệ thống, không cập nhật lên hệ thống thì kết quả không được công nhận, không được sử dụng cho các mục đích khác.
Không thể nửa vời được! Nửa vời thì không hiệu quả, người dân không được hưởng lợi từ ứng dụng công nghệ mà sẽ vô cùng tốn kém tiền của, công sức của các doanh nghiệp, cán bộ y tế và người dân. Nửa vời thì tốt nhất là không làm ngay từ đầu!", ông Hùng nói.
Theo ông, ngành Y tế sẽ phải dùng bắt buộc 100%, in 100% chứng nhận tiêm chủng từ nền tảng, 100% sử dụng số liệu của nền tảng thay cho số liệu thống kê thủ công theo cách truyền thống. Chỉ có như vậy chúng ta mới không gặp phải vấn đề sai, vấn đề thiếu dữ liệu nữa.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiến dịch phát động từ ngày 4/10 tập trung vào các ứng dụng PC-Covid, Sổ Sức khoẻ điện tử,...