Những con số tiết lộ thói quen thanh toán không tiền mặt của người Việt
Thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ngân hàng hay quét mã QR tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực, trừ mảng điện máy.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 đã tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu giao dịch thống kê qua nền tảng thanh toán Payoo cũng cho thấy, giá trị thanh toán không tiền mặt quý II tăng trưởng mạnh so với quý I/2022.
Các phương thức thanh toán không tiền mặt, đặc biệt phương thức thanh toán mới nổi như quét mã QR ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động thanh toán ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.
Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, trong quý II/2022, các giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tăng trưởng đến 84% về số lượng và gấp 3 lần về giá trị giao dịch so với quý I. Hiện tại, Cổng dịch vụ công Quốc gia giúp người dân và doanh nghiệp thanh toán tất cả các dịch vụ công cấp độ 4: Nộp thuế thu nhập cá nhân; Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; Đóng BHXH tự nguyện, Đóng và gia hạn BHYT; Thanh toán tiền điện, tạm ứng án phí, nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp,…
"Các giao dịch thanh toán thuộc nhóm dịch vụ công ở các nhà cung cấp khác cũng tăng trưởng rất tốt với mức tăng 67% về số lượng và gấp 2 lần về giá trị giao dịch. Điều này chứng tỏ, nỗ lực của Chính phủ và các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán trong việc thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt đã bước đầu đạt kết quả khả quan", đại diện Payoo bình luận.
Mảng giáo dục là mảng có bứt phá mạnh nhất trong thời kỳ dịch bệnh do nhu cầu học và thanh toán học phí trực tuyến. Hiện mảng này vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ năm ngoái đến nay. Số lượng giao dịch thanh toán học phí qua Payoo luôn dẫn đầu các đơn vị thanh toán học phí tại TP.HCM. Quý II/2022, giá trị giao dịch thanh toán học phí tăng gấp 2,5 lần so với quý I và gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Với nhóm các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo, trung tâm anh ngữ, tăng trưởng giao dịch đạt 40% về số lượng và 50% về giá trị so với quý I/2022. Trong đó, giao dịch mã QR và hình thức trả góp 0% lãi suất ngày càng chiếm ưu thế trong nhóm này do phù hợp với nhu cầu chi trả linh hoạt của người dùng.
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng Sáu đạt 236,7 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Không chỉ tăng lượng khách quốc tế, các điểm du lịch Việt Nam cũng đang đón nhận nguồn khách nội địa lớn nhờ cao điểm du lịch hè. Số liệu giao dịch thanh toán tại quầy qua máy Payoo POS của các doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch (bao gồm vé và lữ hành, lưu trú, gói nghỉ dưỡng,…) cũng tăng trưởng 60% về cả số lượng và giá trị so với quý I/2022. Trong đó, hình thức thanh toán trả thẳng thẻ quốc tế và trả góp qua thẻ tín dụng chiếm đến hơn 95%, chủ yếu đến từ mảng lưu trú, gói nghỉ dưỡng.
Nhóm thời trang, phụ kiện trong quý II cũng tăng trưởng đến 70% về số lượng và 26% về giá trị so với quý I. Trong đó, điểm sáng thuộc về nhóm trang sức, thương hiệu thời trang tầm trung khi đạt mức tăng 40-50% trong khi nhóm thương hiệu cao cấp, xa xỉ phẩm lại giảm nhẹ 12 - 15% vì không phải mùa cao điểm mua sắm.
Tuy nhiên, đi ngược dòng các nhóm bán nói trên, hầu hết các đối tác của Payoo ở mảng điện thoại, điện máy trong quý II đều giảm nhiệt khi doanh thu chỉ đạt 80 - 90% so với quý trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, theo sau đó là an toàn tránh lây nhiễm và...