Những “cạm bẫy chết người” trong khởi nghiệp CNTT
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt và ẩn chứa nhiều "cạm bẩy chết người".
Sáng 10.5, tại Trường ĐH KHTN TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BBSC) và Hội Doanh nhân trẻ đã tổ chức buổi hội thảo "Những 'cạm bẫy chết người' trong khởi nghiệp công nghệ thông tin".
Tại hội thảo, nhiều sinh viên thuộc các ngành công nghệ thông tin (CNTT), điện - điện tử, kinh tế,... đã nhận được nhiều chia sẻ quý báu từ những nhân vật đã khởi nghiệp và thành công.
Xu hướng khởi nghiệp CNTT
Theo BSSC, những năm gần đây, bất chấp những khó khăn, Việt Nam vẫn nằm trong "top" 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang diễn biến đầy sức sống và tiềm năng, chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ, thành công sớm, nhanh và hướng đến sự bền vững, hoà nhập với xu hướng khởi nghiệp khu vực và thế giới.
"Hiện tượng" Flappy Bird và nhân vật Nguyễn Hà Đông từng gây cảm hứng cho nhiều nhà lập trình tham gia khởi nghiệp.
Trong đó, sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT đã tạo nhiều điều kiện để các bạn trẻ khởi nghiệp được cọ xát và học hỏi. Đặc biệt là sự thành công của Flappy Bird đã kích thích các cá nhân, nhóm lập trình viên tích cực xây dựng các dự án khởi nghiệp ngành công nghệ.
Tuy nhiên, việc này lại tạo nên sức ép cạnh tranh, trong việc tìm kiếm thị trường, gọi vốn đầu tư, tạo ra vô vàn những “cạm bẫy chết người” khác.
Cụ thể, theo số liệu từ BSSC, đơn vị khởi xướng và đồng tổ chức cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp (Startup Wheel), trong những năm qua đã chứng kiến cuộc "đổ bộ" của rất nhiều dự án công nghệ, chiếm từ 35 – 47% trên tổng số các dự án gửi về tham gia cuộc thi.
Cuộc thi Startup Wheel được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Đến năm 2015, cuộc thi được mở rộng cho tất cả sinh viên, thanh niên có tuổi đời dưới 35, đang sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam, và có ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ, mô hình khởi nghiệp cụ thể ở bất kỳ giai đoạn nào.
Đa dạng những ý tưởng khởi nghiệp
Đơn cử như sinh viên Nguyễn Mạnh Cường, đang theo học ngành điện - điện tử tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đã sớm có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thời trang.
Các sinh viên, cựu sinh viên sôi nổi chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp trong hội thảo.
Còn cựu sinh viên tên Giang của Trường ĐH KHTN TP.HCM thì lại muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, trong đó sử dụng CNTT làm phụ trợ. Cựu sinh viên tên Nhi thì đặt mục tiêu là xây dựng một mạng lưới cấp học bổng cho các bạn sinh viên, tư vấn viết CV,...
Riêng sinh viên Trần Thị Thanh Huyền cho biết, sau một năm học tại Trường ĐH KHTN TP.HCM thì Huyền đã đổi trường và chuyên ngành học để có thể xây dựng một trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, trang thương mại điện tử mà Huyền nghĩ tới không phải là một trang mua - bán hàng hóa thường thấy, thay vào đó là mua - bán văn hóa đọc. Theo đó, Huyền muốn xây dựng hệ thống giúp truyền tải câu chuyện đời thật của một người nào đó tới mọi người.
Những "cạm bẫy chết người" và giải pháp
Theo BSSC, khi khởi nghiệp trong ngành CNTT hoặc bất cứ ngành nghề nào, dễ hay khó, thành công hay thất bại tùy thuộc rất lớn vào tầm nhìn chiến lược của mỗi doanh nghiệp. “Ngựa hay phải chạy đường dài”, điều cần ở người trẻ là phải tập trung vào việc đánh giá thị trường, nghiên cứu sản phẩm và hoạch định chiến lược trong thời gian dài, thông thường là từ 3 đến 5 năm cho một dự án khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
“Lĩnh vực CNTT đáp ứng nhu cầu của con người dựa trên nền tảng công nghệ. Khi suy nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp, nếu nhìn thấy nhu cầu gì của người khác mà mình có thể thoả mãn nhu cầu đó bằng công nghệ thì nên làm. Không cần bàn cãi về tiềm năng, CNTT trở thành xu hướng khởi nghiệp hoàn toàn có cái lý của nó. Tuy nhiên, khởi nghiệp trong lĩnh vực này cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro gây ra thất bại thảm hại”, chia sẻ từ Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp từ năm 2002 và đang khá thành công.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ thành phố thì đánh giá: "Khởi nghiệp CNTT chiếm tỉ trọng rất lớn trong giới trẻ - tầm 40%. Vậy nên CNTT là lĩnh vực rất cạnh tranh, nhiều rủi ro và cạm bẫy".
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC).
Theo các diễn giả trong hội thảo, một trong những cạm bẩy đầu tiên mà người, nhóm người khởi nghiệp phải nghĩ tới là cạm bẩy liên quan cơ cấu tổ chức. Cụ thể, khi đã bước vào môi trường kinh doanh và khởi nghiệp, phải phân định rõ ràng vai trò, ví trị, nhiệm vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân dù là bạn bè hay người thân. Khi không đạt được điều này thì nội bộ rất dễ bị xóa trộn.
Sát với cạm bẩy này là tình huống của một sinh viên ngành Xây dựng - ĐH Bách Khoa TP.HCM. Trong quá trình khởi nghiệp với trang web dạy và học tiếng Anh, người này đã tìm thêm 2 người bạn chuyên về công nghệ để lập trình. Tuy nhiên, giữa 2 nhân vật trên lại mâu thuẫn nhau trong việc lựa chọn nền tảng cơ sở dữ liệu muốn sử dụng.
Về sản phẩm, dịch vụ, các diễn giả đưa ra một ví dụ điển hình: Sau một thời gian hoạt động, người đứng đầu mảng phát triển sản phẩm muốn rời bỏ công ty. Khi đó, việc đàm phán cần phải được thực hiện nghiêm túc vì người sắp rời bỏ là người biết rõ mọi thứ về sản phẩm, thậm chí giữ cả mã nguồn phần mềm, website. Trong trường hợp người đó chịu trách nhiệm về marketing hay nhân sự thì sẽ ít rủi ro hơn.
"Không thay đổi mục đích, chỉ thay đổi cách thức thực hiện"
Theo một kết quả khảo sát được thực hiện với 1.500 sinh viên, được công bố trong hội thảo: 49% không biết cách học thế nào để hiệu quả và ít tốn thời gian, 71% không biết tương lai đi về đâu, 87% không biết mình đam mê cái gì.
Do đó, các diễn giả khuyên người khởi nghiệp phải có ý tưởng, mục tiêu rõ ràng và quyết tâm. Như sinh viên Trần Thị Thanh Huyền khẳng định về dự án của mình: Nếu chưa đạt được thành công thì cũng "không thay đổi mục đích, mà chỉ thay đổi cách thức thực hiện".
Mặc dù vậy, các diễn giả cũng lưu ý người khởi nghiệp phải biết cách đưa sản phẩm ra thị trường vào đúng thời điểm, linh động thay đổi kế hoạch sao cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng thương hiệu lúc khởi nghiệp, cần tận dụng các nguồn quảng bá miễn phí như bạn bè, người thân, Facebook,... Sau khi có được những khách hàng đầu tiên thì có thể sử dụng nguồn thu đó để quảng cáo trả phí và dần dần mở rộng hoạt động. Tất nhiên, "giai đoạn đầu đừng nghĩ tới lợi nhuận mà hãy nghĩ cách làm sao để tồn tại cái đã", một diễn giả nhấn mạnh.