Những biện pháp bảo vệ dữ liệu nhạy cảm khi làm việc từ xa trên máy tính cá nhân
Làm việc trên thiết bị cá nhân đã trở nên quen thuộc trong đại dịch COVID-19.
Theo Kaspersky, các doanh nghiệp nhỏ ít có xu hướng trang bị cho nhân viên thiết bị để làm việc tại nhà, chỉ 1/3 nhân viên (34%) trong số này nhận được hướng dẫn về cách làm việc an toàn trên máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh trong thời gian giãn cách vì đại dịch - bất kể sự thật là nhiều dữ liệu kinh doanh đang dần ra khỏi phạm vi kiểm soát của doanh nghiệp.
Làm việc từ xa thời COVID-19 đối mặt với nhiều hiểm nguy trên internet.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của Kaspersky, trong thời gian giãn cách vì đại dịch, 57% nhân viên thuộc doanh nghiệp nhỏ và 45% nhân viên của doanh nghiệp nói chung không được cung cấp thiết bị làm việc. Mặc dù có thể được xem là quy tắc bắt buộc để tổ chức duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng chỉ 34% nhân viên thuộc doanh nghiệp nhỏ cho biết họ được yêu cầu thực hiện bảo mật công nghệ thông tin trên thiết bị cá nhân.
Thực hiện những hướng dẫn như vậy càng trở nên cần thiết vì 35% nhân viên doanh nghiệp nhỏ thừa nhận họ đã bắt đầu lưu trữ nhiều thông tin công ty có giá trị hơn trên thiết bị gia đình, cũng như trên các dịch vụ lưu trữ đám mây cá nhân (chiếm 25%).
Các chuyên gia tại Kaspersy nhận định: Làm việc trên thiết bị cá nhân đã trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Nhưng ngay cả khi đại dịch chưa diễn ra, một số tổ chức vẫn áp dụng cho nhân viên làm việc trên thiết bị cá nhân để tăng tính cơ động và giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ngoài lợi ích kinh doanh, tổ chức cũng nên lưu ý bảo vệ các thiết bị này khỏi những rủi ro an ninh mạng để lưu trữ an toàn dữ liệu khách hàng và doanh nghiệp. Từ đó, nhân viên có thể yên tâm làm việc mà không bị gián đoạn vì ransomware hoặc các phần mềm độc hại khác.
Các giải pháp bảo mật rất quan trọng khi làm việc từ xa.
Ông Andre Dankevich - Giám đốc tiếp thị sản phẩm ngành hàng B2B tại Kaspersky cho biết: “Các công ty nhỏ có thể đang trong hoàn cảnh khó khăn và ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì hoạt động doanh nghiệp trong thời gian giãn cách vì đại dịch. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi an ninh mạng có thể trở thành vấn đề thứ yếu đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện những yêu cầu bảo mật ở mức cơ bản vẫn có thể giúp thiết bị giảm khả năng bị nhiễm mã độc, tấn công tài chính hoặc mất dữ liệu kinh doanh. Hơn nữa, có rất nhiều khuyến nghị đã được đưa ra bởi chuyên gia an ninh mạng mà doanh nghiệp có thể chia sẻ với nhân viên để giúp họ đảm bảo an toàn cho thiết bị của mình. Điều quan trọng là những yêu cầu bảo mật cần được tuân thủ không chỉ trong thời gian cách ly tại nhà mà còn được tiếp tục khi nhân viên làm việc từ xa trong tương lai”.
Các biện pháp bảo vệ an toàn mạng:
- Thiết bị gia đình cần được bảo vệ bằng giải pháp chống virus. Những giải pháp chuyên dụng như Kaspersky Small Office Security có thể được cài đặt từ xa trên mọi thiết bị và được quản lý từ đám mây.
- Hệ điều hành thiết bị, cũng như các ứng dụng và dịch vụ phải luôn được cập nhật lên phiên bản mới nhất.
- Bật bảo vệ mật khẩu cho tất cả thiết bị, bao gồm cả điện thoại di động và bộ định tuyến Wi-Fi.
- Các kết nối Wi-Fi tại nhà phải được mã hóa, tốt nhất là với chuẩn mã hóa WPA2. Nên sử dụng VPN nếu nhân viên đang sử dụng các điểm truy cập Wi-Fi không xác định.
- Sử dụng giải pháp bảo mật cho phép mã hóa thiết bị và máy chủ, cũng như tạo bản sao lưu cho tất cả dữ liệu của công ty - điều này sẽ giúp khôi phục dữ liệu nhanh chóng trong trường hợp bị nhiễm ransomware.
- Cung cấp cho nhân viên danh sách các dịch vụ đám mây đáng tin cậy mà nhân viên có thể sử dụng để lưu trữ hoặc chuyển dữ liệu của công ty.
- Đào tạo nâng cao nhận thức an ninh cơ bản cho nhân viên. Việc này có thể được thực hiện trực tuyến và cần đầy đủ thông tin cần thiết như quản lý tài khoản và mật khẩu, bảo mật email, bảo mật điểm cuối.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ TT&TT đang trình Chính phủ xem xét ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011/NĐ-CP.