Nhiều tài khoản YouTube, Facebook và trang web lậu vi phạm bản quyền Asian Cup 2019
Mặc dù các trận đấu của Asian Cup 2019 được phát đầy đủ, hợp pháp trên 3 kênh truyền hình và nhiều ứng dụng OTT, nhưng rất nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook và YouTube, cũng như các trang web lậu đã vi phạm bản quyền các trận đấu vòng bảng Asian Cup 2019.
Ở Vòng chung kết Asian Cup 2019 đang diễn ra tại UAE, VTV mua bản quyền phát sóng giải đấu trên hạ tầng truyền hình quảng bá và được tiếp phát trên các hạ tầng truyền hình trả tiền, truyền hình Internet nằm trong hệ thống của VTV. Fox Sports cũng có bản quyền phát sóng trên hạ tầng truyền hình trả tiền, hầu hết các hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam đều có kênh Fox Sports, do đó người hâm mộ bóng đá có thể dễ dàng thu xem 51 trận đấu của giải trên nhiều phương tiện khác nhau như: Tivi, máy tính, mobile…
Cụ thể, các kênh truyền hình phát trực tiếp các trận đấu gồm VTV5, VTV6, Fox Sports, thì khán giả có thể theo dõi trực tiếp các trận đấu Asian Cup 2019 qua các ứng dụng truyền hình OTT: VTV Sports, VTVGo, Onme, VieOn, MyK+, VTC Now…
Tuy nhiên, qua theo dõi của ICTnews từ hôm khai mạc giải đấu đến nay, thì ngoài các kênh truyền hình chính thức, các ứng dụng OTT của các đơn vị truyền hình phát sóng trực tiếp và tổ chức bình luận các trận đấu, thì vào giờ phát trực tiếp trên YouTube, Facebook rất nhiều tài khoản đã livestream trực tiếp tín hiệu từ VTV6 hoặc từ các kênh truyền hình nước ngoài. Nhiều kênh YouTube vẫn sử dụng chiêu thu nhỏ hình và bóp méo tiếng bình luận, hoặc gán logo riêng, sticker lên màn hình để né tránh việc rà soát bản quyền của YouTube.
Việc vi phạm bản quyền trên Internet khá công khai, có nhiều kênh YouTube đạt hàng chục nghìn người xem vào giờ trực tiếp các trận đấu, người xem trên YouTube còn thoải mái bình luận và tương tác với nhau trên kênh.
Các tài khoản YouTube phát livestream trận đấu Việt Nam và Iraq.
Đặc biệt trên website 90phut.tv cũng tổ chức phát trực tiếp và tự bình luận các trận đấu của Asian Cup 2019. 90phut.tv do bình luận viên Batman, giọng bình luận khá quen thuộc của kênh Xôi lạc TV trước đây. Trên các kênh YouTube và Fanpage của Xôi lạc TV cũng đăng post giới thiệu mọi người sang xem trực tiếp các trận đấu Asian Cup 2019 được livestream trên 90phut.tv.
90phut.tv phát sóng lậu các trận đấu của Asian Cup 2019.
Nhất là vào trận đấu ra quân của đội tuyển Việt Nam và Iraq hôm 8/1 thì tình trạng livestream tràn lan trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “đội tuyển việt nam” ngay lập tức có hàng chục tài khoản mạng xã hội đang phát trực tiếp trận đấu. Ở trận đấu giữa Việt Nam và Iran vào lúc 18h tối nay (12/1) dự báo số lượng các tài khoản livestream trên mạng xã hội cũng sẽ tăng lên mạnh.
Trao đổi với ICTnews, một đại diện của VTV cho hay, đối với giải đấu Asian Cup 2019 VTV mua bản quyền trên truyền hình và được phát trên Internet trên các hệ thống của VTV, Fox Sports cũng có bản quyền phát trên truyền hình và hạ tầng Internet trong hệ thống của Fox Sports. Do đó, ngoài VTV và Fox Sports những cá nhân và tổ chức tự ý livestream hoặc phát trực tiếp tín hiệu Asian Cup 2019 dù lấy nguồn từ đâu chắc chắn là hành vi vi phạm bản quyền của Ban tổ chức Asian Cup 2019.
Nguồn tin từ VTV cũng cho hay, ở gói bản quyền Asian Cup 2019, đơn vị bán bản quyền không yêu cầu VTV phải ngăn chặn các cá nhân, tổ chức khác vi phạm bản quyền. Do đó, VTV không tổ chức đánh chặn cũng như không tổ chức đội ngũ kỹ thuật rà soát, hay cảnh báo khi các đơn vị khác vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Ở kỳ World Cup 2018, đơn vị bán bản quyền quy định rất nghiêm ngặt, yêu cầu VTV phải rà soát, phát hiện các đường link vi phạm và báo cáo về cho họ, nên VTV đã tổ chức rà soát và ngăn chặn khá sát sao.
Một ý kiến khác cũng cho hay, Ban tổ chức Asian Cup 2019 không đặt nặng vấn đề ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số, nên việc phát livestream trên mạng xã hội, thậm chí phát trực tiếp trên các trang web vi phạm bản quyền các trận đấu trong khuôn khổ Asian Cup 2019 diễn ra khá công khai và thoải mái.
Trước xu thế xem các nội dung thể thao, phim, giải trí qua Internet và mạng xã hội ngày càng tăng thì những thách thức của hành vi xâm phạm bản quyền là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất nội dung. Đơn cử, trong năm 2018 chỉ trong vòng 10 ngày có bản quyền ASIAD 2018, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã phát hiện và cảnh báo hơn 10.000 tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền. Trong suốt kỳ World Cup 2018, đã có hàng nghìn trường hợp vi phạm bản quyền bị phát hiện và cảnh báo, trong đó nhiều nhất là vi phạm trên môi trường mạng xã hội.
Mặc dù để thua với tỷ số 0 - 2 trước Iran nhưng đây vẫn là kết quả “tạm chấp nhận” để dân mạng mong chờ điều...