Lý giải vệt sáng lạ trên bầu trời Quảng Ngãi, đang xôn xao MXH
Vệt sáng lạ trên bầu trời Quảng Ngãi nhiều khả năng không phải là thiên thạch đi vào bầu khí quyển hành tinh của chúng ta.
Một vệt sáng lạ xuất hiện trên bầu trời Quảng Ngãi vào chiều 29/9, đã nhanh chóng gây xôn xao mạng xã hội. Theo chia sẻ của người chứng kiến, hiện tượng này xuất hiện vào khoảng 17h30 ở hướng Đông (tức ngược hướng Mặt Trời lặn).
Vệt sáng này có đặc điểm là màu đỏ rực lúc xuất hiện, giống như ngôi sao băng, tan đi rất nhanh, và không chuyển động.
Theo timeanddate.com, thời điểm mặt trời lặn (sunset) ngày 29/9 vừa qua tại thành phố Quảng Ngãi là khoảng 17h35, khá sát thời điểm ghi nhận vệt sáng này từ người dân.
Vệt sáng lạ trên bầu trời Quảng Ngãi.
Do hiện tượng này hiếm gặp, nên người viết tạm thời chưa khẳng định chính xác hiện tượng này mà đưa ra lập luận, phỏng đoán dựa trên thông tin phản ảnh nêu trên và các kiến thức về quang học khí quyển.
Không thể là đá/bụi không gian hay thiên thạch
Do vệt sáng này được mô tả là không di chuyển, tan đi rất nhanh nên không thể là vệt sáng hình thành do đá/bụi tự nhiên ở ngoài không gian (asteroid nay nhỏ hơn là meteoroid) đi vào bầu khí quyển chúng ta và cháy sáng thành vệt được.
Do đá bụi đi vào bầu khí quyển chúng ta (nếu có) mà đủ lớn để tạo ra vệt sáng kích thước như ghi nhận tại Quảng Ngãi thì rất hiếm, và sẽ rất đáng chú ý kể từ khi nó đi vào bầu khí quyển chứ không phải chờ tới tận khi người dân nhận ra sau đó.
Hơn nữa, tốc độ di chuyển của đá bụi này khi đi vào bầu khí quyển hành tinh chúng ta là rất lớn với vận tốc vài chục km/s, không thể có chuyện “không chuyển động” như được mô tả bởi người dân.
Việc gọi thiên thạch đi vào bầu khí quyển hành tinh chúng ta là không chính xác.
Thiên thạch (meteorite) chính là phần còn lại của lượng đá bụi ngoài không gian đi vào bầu khí quyển chúng ta nhưng chưa bị cháy hết hoàn toàn, rơi xuống mặt đất. Rất may là đa phần lượng đá bụi này theo thống kê đều cháy rụi gần hết trong bầu khí quyển và có rất ít số chúng có thể chạm tới được bề mặt Trái Đất chúng ta (lúc này mới là thiên thạch).
Khả năng cao chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên của tự nhiên
Thời điểm ghi nhận vệt sáng này vào lúc người viết ghi nhận trùng với thời điểm mặt trời lặn tại Quảng Ngãi. Do đó, người viết cho rằng vệt sáng này có thể là:
- Alpenglow: Đây là hiện tượng quang học khí quyển xuất hiện như là một dải/vệt màu đỏ nằm vắt ngang ở gần chân trời, ở phía đối diện so với Mặt Trời (thời điểm này là hướng Đông đúng như ghi nhận của người dân) khi mà đĩa Mặt Trời đã ở dưới đường chân trời (chính là thời điểm Mặt Trời lặn, trùng với thông tin người dân cung cấp).
Hiện tượng này có thể quan sát được khi các đám mây được chiếu sáng thông qua hiện tượng “tán xạ ngược/backscattering”.
Cụ thể, trong ảnh minh họa bên dưới, lúc này tia sáng 1 tới từ nguồn sáng là Mặt Trời đã lặn xuống đường chân trời, trong khi đó tia sáng 2 lại được phản xạ bởi hơi nước/tinh thể băng/hạt tới người quan sát trong tầng khí quyển gần mặt đất (low atmosphere).
Tại thời điểm Mặt Trời ở gần đường chân trời, ánh sáng tới từ Mặt Trời phải đi qua lớp không khí dày hơn so với khi nó ở trên cao, nên lúc này chỉ còn tia sáng màu đỏ/cam ít bị tán xạ trong bầu khí quyển và tới được mắt người quan sát.
Vệt sáng này xuất hiện và biến mất rất nhanh như ghi nhận của người dân, cũng do các tia sáng 2 cũng không tồn tại lâu mà chỉ tồn tại một lúc sau khi mặt trời lặn mà thôi.
(Ảnh minh họa: Wikipedia)
- Anti-crepuscular rays (anti-solar rays/tia sáng Mặt Trời ngược): Do không được cung cấp thêm ảnh vùng trời phía Tây lúc mặt trời lặn, người viết cho rằng đây cũng là một giả thiết.
Tia sáng Mặt Trời ngược thường xuất hiện lúc Mặt Trời mọc hay lặn, chúng không hiếm nhưng cũng không dễ thấy. Và tương tự như crespucular rays (tia sáng Mặt Trời lúc hoàng hôn) nhưng nhìn theo hướng ngược với Mặt Trời trên bầu trời.
Các tia sáng này thường được tạo ra bởi các đám mây, vật thể ở gần vị trí Mặt Trời che chắn, tạo ra một vùng bóng tối đôi khi trải dài trên bầu trời (khi bầu trời đủ trong).
Các tia sáng song song và vùng bóng tối này, do hiệu ứng phối cảnh nên dường như xuất phát từ Mặt Trời, trong những điều kiện nhất định (mây, chất lượng không khí,…) trải dọc bầu trời và sau đó hội tụ tại điểm đối nhật (điểm đối nghịch với Mặt Trời trên bầu trời so với người quan sát, thường là nằm dưới chân trời khi Mặt Trời sắp lặn).
Các tia sáng này khi xuất hiện thường có màu đỏ/cam, do quãng đường mà ánh sáng Mặt Trời di chuyển xuyên qua bầu khí quyển tại thời điểm Mặt Trời mọc hoặc lặn sẽ nhiều hơn so với lúc Mặt Trời ở tại đỉnh đầu.
Do tán xạ Rayleigh, các phân tử trong bầu khí quyển sẽ tán xạ các tia sáng bước sóng ngắn (xanh, tím, lam,…) mạnh hơn rất nhiều so với các tia sáng ở bước sóng dài hơn như vàng hay đỏ. Do vậy, chỉ còn các tia sáng đỏ hay cam đủ sức đi xuyên qua bầu khí quyển dày để tới mắt người quan sát mà thôi.
Ảnh minh họa tia sáng Mặt Trời ngược thường hay xuất hiện. (Ảnh: Dung Nguyen)
(Ảnh minh họa: Scott Kuhn)
Các tia sáng Mặt Trời ngược này thường kém sáng và đôi khi chỉ có một vài tia không rõ nét/rời rạc. Bởi vì các tia sáng Mặt Trời lúc hoàng hôn có cường độ yếu hơn. Và vì khi phải di chuyển từ chân trời này dọc bầu trời qua chân trời phía đối diện, đã bị tán xạ/ngăn cản gần hết trong khí quyển.
Kết luận: Người viết cho rằng vệt sáng tại Quảng Ngãi ngày 29/8 là sự ngẫu nhiên của tự nhiên, hình thành do ánh sáng tới từ Mặt Trời tại thời điểm mặt trời lặn và các điều kiện thích hợp trong bầu khí quyển (mây và không khí) lúc đó.
Xem clip vệt sáng trên bầu trời Quảng Ngãi. (Nguồn: TikTok)
Ánh hào quang khi chiều tà, vệt trắng trên bầu trời, bia tạo ra bọt, tiếng kêu răng rắc ở khớp xương hay cảm giác nhột...
Nguồn: [Link nguồn]