Báo cáo tiết lộ bán hàng online trên Facebook và TikTok "không ngon ăn"

Trong khi nhiều nhà bán hàng trên Facebook bị sụt giảm doanh thu từ 10 - 30% trong năm 2022, thì kênh TikTok Shop chỉ chiếm 1,24% tỉ trọng thị trường bán hàng online.

Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo vừa công bố khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của họ. Kết quả cho thấy, tình hình kinh doanh ngành bán lẻ năm 2022 có nhiều sự khởi sắc so với năm 2021 - về doanh thu, quy mô kinh doanh cũng như kênh bán hàng, vận chuyển và thanh toán. Đáng chú ý là xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng và sự quay trở lại ưu tiên hàng đầu của tiền mặt trong thanh toán.

Theo khảo sát này, tiền mặt quay trở lại ngôi vị số 1 trong nhóm phương thức thanh toán được người mua hàng sử dụng nhiều nhất và nhà bán hàng chấp nhận (chiếm 29,46% tỉ trọng) trong năm. Trước đó, vào năm 2021, hình thức thanh toán không tiền mặt bằng cách chuyển khoản đã lần đầu tiên vượt qua tiền mặt và lên vị trí top 1.

Thanh toán bằng chuyển khoản đã tụt lại phía sau so với thanh toán tiền mặt. (Ảnh minh họa)

Thanh toán bằng chuyển khoản đã tụt lại phía sau so với thanh toán tiền mặt. (Ảnh minh họa)

Sự bùng nổ của hình thức quét mã QR ngân hàng trong năm 2022 đã đưa phương thức này lên top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất (chiếm 16,69% tỉ trọng), vượt qua ví điện tử (13,29%). Có thể nói, phong trào ngân hàng số - chuyển đổi số toàn diện trong ngành ngân hàng năm 2022 cũng tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ. 

Tuy nhiên, chuyển khoản lại được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ tiện lợi, dễ dàng sử dụng và đối soát (8,8/10 điểm). Xếp hạng tiếp theo là tiền mặt (8,5 điểm), ví điện tử (8,3 điểm), quét mã QR ngân hàng (8,2 điểm). Hình thức mua trước trả sau (Fundinn, Shopee Pay Later) mới được ra mắt và tích hợp trên sàn thương mại điện tử trong năm 2022 nên chưa được sử dụng nhiều và chỉ đạt 2,6 điểm tiện lợi.

Đáng chú ý, năm 2022, giá cả đã quay trở lại vị trí top 1 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn đơn vị vận chuyển. Năm 2021, yếu tố được chú trọng nhất là thời gian giao hàng, do quá trình giao vận bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Từ khi tình hình kinh doanh quay trở lại thời kỳ bình thường mới, nhà bán hàng không còn gặp vấn đề về thời gian lưu kho, chuyển kho, điều phối đầu mối vận chuyển, nên việc so sánh giá cả để tối ưu chi phí được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Sapo cho thấy, trái ngược với 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỉ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%. 

Trong số các nhà bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu năm 2022, phần lớn trong số họ đang kinh doanh trong lĩnh vực Thời trang - Phụ kiện, Mỹ phẩm, Tạp hóa - siêu thị mini và Đồ chơi. Các nhà bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm sút trên 30% chủ yếu kinh doanh trong nhóm ngành Đồ gia dụng, sinh hoạt; Đồ mẹ và bé; Thuốc và thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh cũng thể hiện rõ rệt. 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Tỉ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm  23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.

Trong số các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử được ưa chuộng nhất với tỉ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%). TikTok Shop - kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022 hiện chỉ chiếm 1,24% tỉ trọng nhưng đang là xu hướng khai thác và chuyển dịch của nhà bán hàng. 

Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến hoàn toàn, tỉ lệ có sự tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử (43,75%). Trong khi đó, phần lớn nhà bán hàng trên Facebook (mạng xã hội) cho biết họ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10 - 30%.

Trong ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống, kênh bán tại cửa hàng cũng được đánh giá cao nhất với 8,83/10 điểm, kênh mạng xã hội đạt 6,2 điểm, kênh ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đạt 5,8 điểm, kênh website chỉ đạt 5,1 điểm. Tuy vậy, kênh bán hàng online được ưu tiên sử dụng nhất lại là ứng dụng đặt đồ ăn online (như Grabfood, Shopee Food, Baemin, Gojek, Loship,...), chiếm tỉ trọng 55,6%. 

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành bán lẻ năm 2022 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là bước đệm thuận lợi để các nhà bán hàng khôi phục và tăng trưởng trong năm 2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Mua sắm online dịp Tết 2023, phải nằm lòng những điều này!

Những quy tắc trong bài viết giúp bảo vệ dữ liệu và tiền của bạn, mang tới trải nghiệm mua sắm trực tuyến an toàn và bảo mật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Giao hàng nhanh thời công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN