Nguyên nhân Yahoo từ bỏ thị trường Trung Quốc
Sự rút lui của Yahoo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang áp đặt những hạn chế mới đối với các công ty Internet, từ nội dung đến quyền riêng tư khách hàng.
Yahoo thông báo đã ngừng truy cập ứng dụng của mình ở Trung Quốc, trở thành công ty công nghệ Mỹ mới nhất rút khỏi quốc gia này.
Yahoo được biết đến là một công ty công nghệ đa quốc gia đến từ Mỹ, có trụ sở chính tại bang California (Mỹ). Yahoo Inc nổi tiếng với cổng thông tin web, công cụ tìm kiếm Yahoo! Search, và các dịch vụ như Yahoo! Directory, Yahoo! Mail, Yahoo! News, Yahoo! Finance, quảng cáo, bản đồ trực tuyến, chia sẻ video...
23 năm thâm nhập thị trường
Giải thích về quyết định này, đại diện công ty cho biết trong một email trả lời hãng tin Reuters: “Trong bối cảnh môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức ở Trung Quốc, bộ dịch vụ Yahoo sẽ không còn được truy cập từ Trung Quốc đại lục kể từ ngày 1/11”.
Công ty cho biết thêm: “Yahoo vẫn cam kết bảo vệ các quyền của người dùng và một mạng internet miễn phí và cởi mở. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của người dùng".
Trên thực tế, nhiều tính năng Yahoo ở Trung Quốc đã không còn được quyền truy cập kể từ năm 2013, bao gồm mảng email và tin tức. Vào năm 2015, Yahoo đã đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh và cắt giảm khoảng 300 việc làm. Nhiều dịch vụ của công ty đã bị chặn bởi cơ quan kiểm duyệt kỹ thuật số Trung Quốc. Tuy nhiên, những động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm siết chặt quyền kiểm soát đối với các công ty công nghệ nói chung, bao gồm cả những “người khổng lồ” trong nước, đã làm thu hẹp đáng kể sự hiện diện về quy mô của Yahoo ở nước này.
Biểu tượng của Yahoo tại trụ sở chính của ở California, Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Yahoo “thâm nhập” vào thị trường Trung Quốc từ năm 1998, và công ty đã ký một thỏa thuận bán cổ phần cho “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba vào năm 2012. Sau thỏa thuận này, Alibaba có được quyền điều hành Yahoo Trung Quốc trong thời hạn 4 năm. Yahoo Trung Quốc sau đó đã ngừng dịch vụ thư điện tử (email) và cổng thông tin điện tử nhưng vẫn duy trì một trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu tại Bắc Kinh cho đến năm 2015 thì đóng cửa.
Hồi tháng 5/2021, Công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management đã mua lại Yahoo và một số mảng kinh doanh truyền thông khác từ Verizon Communications, công ty chủ quản của Yahoo, như một phần của thương vụ trị giá 5 tỷ USD. Trang web công nghệ Engadget phiên bản tiếng Trung cũng không còn hoạt động trong ngày 2/11 và chỉ hiển thị thông báo về việc Yahoo không còn cung cấp nội dung cho người dùng Trung Quốc đại lục.
Thông báo rút lui mới nhất của Yahoo diễn ra sau động thái tương tự của Microsoft Corp (MSFT) khi thông báo rút bỏ sự hoạt động mạng xã hội Linkedin khỏi Trung Quốc trong tháng trước. Nguyên nhân được Linkedin viện dẫn rằng “môi trường hoạt động đầy thách thức và các yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt hơn tại Trung Quốc”.
Môi trường kinh doanh nhiều thách thức
Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động của các công ty tư nhân, nhưng những tháng gần đây , Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo siết chặt “một cuộc đàn áp quy định” quy mô lớn trong ngành công nghệ, giáo dục, trò chơi và giải trí. Theo CNN, điều này đã làm giảm đáng kể giá trị thị trường của nhiều công ty lớn tại Trung Quốc.
Trong kế hoạch 5 năm mới nhất của nước này có bao gồm cam kết tăng cường các quy tắc nhằm kiềm chế các hành vi độc quyền và điều chỉnh sự đổi mới công nghệ. Các nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi "thực thi pháp luật" hành động trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, giáo dục và dạy thêm, vì "lợi ích quan trọng của người dân".
Vào tháng 8/2021, Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới giới hạn thời gian mà người dùng dưới 18 tuổi dành cho trò chơi điện tử xuống còn 3 giờ/tuần, đây là một phần trong những nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn chứng nghiện chơi game. Quy định trên là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp trò chơi toàn cầu, bởi Trung Quốc là thị trường “béo bở” có hàng chục triệu người chơi trẻ tuổi.
Sự rút lui mới nhất của Yahoo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang áp đặt những hạn chế mới đối với các công ty Internet trong nhiều mảng từ nội dung đến quyền riêng tư khách hàng. Vào thứ Hai ngày 1/11, luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân Trung Quốc được thiết kế mới đã chính thức có hiệu lực, nhằm mục đích bảo vệ quyền dữ liệu riêng tư của người dùng trực tuyến.
Một cựu kỹ sư phần mềm Yahoo bị buộc tội tấn công tài khoản cá nhân của hơn 6.000 người dùng để tìm kiếm ảnh và...
Nguồn: [Link nguồn]