Sau gần 30 năm từ một nước tiếp cận muộn với internet, Việt Nam hiện nổi lên như một "mảnh đất màu mỡ" cho các nền tảng mạng xã hội phát triển khi liên tục nằm trong top 10 các nước có lượng người dùng Facebook, Tiktok, Youtube... hàng đầu thế giới.
Việt Nam là nước tiếp cận Internet muộn so với thế giới khi những giao thức kết nối đầu tiên hình thành vào năm 1992. Vào những năm 1995-1997 khi mà máy tính được đưa vào nước ta nhiều hơn, người dùng khi đó liên lạc với nhau chủ yếu qua các mạng lưới Intranet mà nổi tiếng nhất chính là Trí Tuệ Việt Nam do FPT phát triển.
Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối vào mạng internet toàn cầu. Những người dùng đầu tiên khi đó sử dụng hệ điều hành Window NT và thông qua trình duyệt NetScape, phần mềm ICQ để kết nối với người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên cước phí sử dụng mạng khi đó khá đắt đỏ bởi internet khi ấy được cung cấp thông qua mạng đường đây điện thoại dial-up với giá cước 400 đồng/phút.
Tới năm 2003, mạng ADSL được triển khai tại Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên phát triển internet như "vũ bão" của nước ta. Từ thành thị tới nông thôn, các "quán nét" mọc ra như nấm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Giới thanh thiếu niên khi đó (chính là thế hệ 8x, 9x) bị hấp dẫn bởi các trò chơi trực tuyến như "nhảy Au" (game Audition), Võ lâm truyền kỳ và đặc biệt phải kể tới Yahoo Messenger.
Việc sở hữu một nickname, một Yahoo! Mail để chat trên Yahoo! Messenger chính là "mốt" của giới trẻ những năm 2000. Không ít thanh thiếu niên thời đó tiết kiệm tiền ăn sáng bố mẹ cho để đi "chơi nét" với giá 3000 đồng/giờ, và khung cửa sổ chat màu tím luôn là thứ đầu tiên mà nam thanh nữ tú mở ra khi vào quán net. Không chỉ kết nối với những bạn bè, người thân ở xa, Yahoo! Messenger với những "phòng chat" theo chủ đề còn là nơi kết nối người dùng với những người bạn cùng sở thích, và không ít những cặp vợ chồng thế hệ 8x, 9x đã nên duyên bởi hình thức kết nối này.
Anh Trung (Đà Nẵng) chia sẻ "hồi ấy tan học là đám bạn rủ nhau ra "cứu nét", vừa chơi, tai đeo headphone mà vẫn hò nhau cứu giá, yểm trợ... các kiểu xôm cả quán. Rồi tranh thủ vào Yahoo! cập nhật tin nhắn, hồi ấy còn trẻ nên mình lập từ 5-6 nick giả để "tán gái" hoặc nhắn tin trêu trọc bạn bè... nhớ lại thấy hơi trẻ trâu nhưng vẫn vui. Giờ mình vẫn lưu lại file tên các bạn chat hồi đó, tiếc là giờ Yahoo! Messenger không còn để mà mở mấy tin nhắn hồi đó ra xem lại".
Cùng với Yahoo! Messenger thì Yahoo! 360 (năm 2005) được coi là mạng xã hội được dùng phổ biến đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi người dùng đăng nhật ký, và có thể tương tác với người dùng khác bằng cách bình luận dưới các bài đăng. Điểm ấn tượng của Yahoo! 360 là giao diện trang blog cá nhân của mỗi người có thể tùy biến (hình nền, màu nền, kiểu phông chữ, màu chữ...) và hiển thị lượt người xem. Nên hồi đó ai cũng cố gắng viết sao cho thật dài, thật "deep" để có nhiều người đọc, rồi lại ngồi nhấn F5 gãy tay để xem đã tăng được "view" nào chưa.
Cũng trong thời gian này, Google đã bắt đầu được sử dụng phổ biến tại Việt Nam giúp người dùng mạng khám phá nguồn thông tin vô hạn trên internet. Cư dân mạng hồi đó hài hước ví von "Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google". Cùng với đó là hộp thư điện tử Gmail đã được người dùng sử dụng phổ biến trong việc trao đổi liên lạc với các đối tác làm ăn, bạn bè, người thân... Cùng với Google, Gmail thì Youtube cũng là kênh mạng xã hội video được nhiều người dùng Việt Nam ưa chuộng.
Ở thời kỳ đỉnh cao vào năm 2011, Yahoo! tuyên bố các dịch vụ của hãng có tới 17 triệu người dùng, chiếm 88% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam. Tuy nhiên việc chậm thay đổi và những quyết định sai lầm khiến Yahoo! nhanh chóng rơi vào thoái trào.
Một trong những nguyên nhân khiến Yahoo sụp đổ là sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng mạng xã hội mới trong đó Friendster và Myspace đã thu hút lần lượt 115 triệu và 300 triệu người dùng trên thế giới trong thời kỳ đỉnh cao, tuy nhiên tại Việt Nam hai mạng xã hội này ít được biết tới. Và Facebook chính là cái tên đã "kết liễu" Yahoo
Được thành lập năm 2003, nhưng mãi tới tháng 26/09/2006 thì Facebook mới chính thức có mặt tại Việt Nam. Dẫu vậy, trong những ngày đầu người dùng tại Việt Nam chưa thực sự mặn mà với mạng xã hội này mà phải tới tận cuối năm 2008 đầu năm 2009 khi Facebook trở thành cái tên "nổi đình nổi đám" trên thế giới thì người Việt mới bắt đầu "chơi Facebook".
Theo công bố của Facebook thì tại Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội này đã đạt 19,6 triệu người vào đầu năm 2014, và trung bình cứ 3 giây lại có thêm người dùng mới. Cho tới năm 2015, con số này tăng lên 35 triệu người dùng, và tính theo số liệu mới nhất năm 2024 thì tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu người.
Một trong những lý do khiến Facebook như "hổ mọc thêm cánh" ở giai đoạn này chính là sự phát triển như vũ bão của smartphone và sự chuyển dịch mạnh mẽ của thói quen dùng internet của người dùng từ máy tính cá nhân sang thiết bị di động. Cùng giai đoạn này, chất lượng internet tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể khi được chuyển đổi từ cáp đồng sang cáp quang vào năm 2014. Cùng với đó là việc phủ sóng thế hệ mạng di động 4G từ năm 2018 giúp tăng tốc độ truy cập internet cũng như tốc độ tải dữ liệu ở các thiết bị di động vượt trội hơn so với mạng 3G trước đó.
Cùng với Facebook, Zalo cũng là ứng dụng mạng xã hội đa chức năng được ưa chuộng tại Việt Nam. Được thành lập năm 2012, Zalo ban đầu chỉ là nền tảng liên lạc kiểu như Viber, tuy nhiên từ năm 2020 Zalo đã chính thức được cấp phép hoạt động như mạng xã hội. Cũng trong giai đoạn này, hàng loạt các mạng xã hội khác cũng bắt đầu tham gia thu hút được nhiều người dùng Việt như: Instagram, Twitter (X), LinkedIn, Pinterest, Flickr, Tumblr,... Bên cạnh đó, các mạng xã hội do người Việt sáng lập như Tamtay.vn, Lotus, Gapo... cũng được thành lập tuy nhiên số lượng người dùng không nhiều.
Covid-19 xuất hiện vào năm 2019 và các đợt giãn cách xã hội từ năm 2020 cũng là thời kỳ mà Tiktok "bùng nổ" tại Việt Nam. Chính thức được giới thiệu vào 24/4/2019, nhưng tới cuối tháng 3/2020 số người dùng Tiktok tại Việt Nam đã đạt tới hơn 12 triệu người.
Với ưu điểm là các video ngắn, không nhiều chữ và liên tục cập nhật các xu hướng mới với những hiệu ứng video "vi diệu", Tiktok nhanh chóng thu hút người dùng trẻ. Đặc biệt, nền tảng này giúp bất kỳ ai cũng có thể trở thành Tiktoker, Influencer, thay vì phải đầu tư kỳ công như trên Youtube, hoặc Facebook nên càng hấp dẫn nhiều người sử dụng hơn.
Theo thống kê mới nhất, tính tới hết ngày 30/6/2024 số lượng người dùng Tiktok tại Việt Nam đã đạt 67 triệu người dùng, chỉ xếp sau Facebook (72 triệu người dùng) và Zalo (76,5 triệu người dùng). Tuy nhiên, Tiktok đang gặp vấn đề lớn khi mới đây theo thông tin từ Reuters thì Hạ viện Mỹ đã gửi thư tới Apple, Google để nhắc nhở rằng việc duy trì TikTok trên App Store và Play Store sau ngày 19/1/2025 là phạm pháp, điều này có thể khiến ứng dụng mạng xã hội video này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dưới sức ép của Tiktok các mạng xã hội khác cũng đã đưa ra các tính năng tương tự để cạnh tranh nhằm hút người dùng như Youtube Short, Facebook Reels,...Trong khi Tiktok hiện đã cho phép kéo dài lên tới 60 phút từ tháng 5/2024 thay vì chỉ 15 giây như ban đầu để cạnh tranh với Youtube.
Dân số hiện tại của Việt Nam là 99.777.264 người (16/12/2024) theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, và chỉ một thời gian ngắn nữa nước ta sẽ nằm trong danh sách các quốc gia trăm triệu dân trên thế giới. Theo dữ liệu của Wearesocial cập nhật ngày 23/10/2024 thì tới 78,8% người dân Việt Nam sử dụng internet. Trong số những người dùng internet tại Việt Nam thì có tới 92,5% có dùng mạng xã hội ít nhất 1 lần/tháng. Đây thực chất là một mảnh đất màu mỡ cho các mạng xã hội khai thác.
Không chỉ có số lượng người dùng lớn mà thời gian sử dụng internet của người dân Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Nếu như vào năm 2011 mỗi ngày người Việt chỉ dành 52 phút cho việc sử dụng Internet thì con số này tăng lên tới 6 giờ 52 phút mỗi ngày vào năm 2018. Theo thống kê của ElectronicsHub vào đầu năm 2023 thì một ngày người Việt Nam bỏ 2 tiếng 32 phút xem mạng xã hội, xếp thứ 16 trong tổng số 45 quốc gia được thống kê.
Những con số trên đây cho thấy người Việt Nam thực sự đang ngày càng "ghiền" mạng xã hội hơn. Nhiều người dùng bất cứ thời gian nào được coi là rảnh để lướt mạng xã hội, và không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân đang chờ đèn đỏ, chờ xe bus hoặc tàu điện, trong thang máy... đang say sưa lướt mạng xã hội để "cập nhật tin tức hot nhất".
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của mạng xã hội đối với đời sống tinh thần và kinh tế của người sử dụng. Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội khiến nhiều người dùng coi trang cá nhân trên Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo... như một bản lý lịch cá nhân nên luôn cố gắng đánh bóng với những bài viết, hình ảnh lung linh nhất.
Những vấn đề về quyền lực ảo trên mạng xã hội, sống phông bạt, bắt nạt trực tuyến, lừa đảo, văn hóa sử dụng mạng kém,... thực sự đang khiến mạng xã hội là một nơi "ảo" nhưng đã tác động "thật" tới cuộc sống của nhiều người.
Do đó, ngoài việc điều tiết thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý để dành cho cuộc sống ngoài đời thật thì người dùng mạng xã hội cũng cần học cách để dùng mạng xã hội văn minh, và lý trí.
Nguồn: [Link nguồn]
-22/12/2024 04:53 AM (GMT+7)