Người Việt lao vào tiền ảo, chuyên gia bảo mật cảnh báo "bẫy đầy trên mạng"

Sự kiện: Tiền điện tử

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo tiền ảo tràn lan ở Việt Nam trong thời gian qua là do tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng.

Sự kiện đồng tiền ảo Bitcoin đạt hơn 57.000 USD (hơn 1,3 tỉ đồng) vào tháng 2 hay lập "đỉnh" hơn 63.000 USD (hơn 1,45 tỉ đồng) vào tháng 4 năm nay khiến đông đảo người Việt lao vào cuộc chơi các loại tiền ảo mới. Tuy nhiên, tiềm năng tài chính trong thời đại tiền ảo này cũng là cơ hội cho tội phạm mạng.

Bitcoin lập "đỉnh" vào ngày 16/4/2021.

Bitcoin lập "đỉnh" vào ngày 16/4/2021.

Minh chứng là sau khi Bitcoin lập "đỉnh" không lâu, giữa tháng 5/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can với nhiều cá nhân để điều tra về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử để chiếm đoạt tài sản. Nhóm tội phạm này đã lập bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và 15 website khác được sao chép giao diện tương tự giống các sàn forex.

Chúng thu hút được 12.000 tài khoản tham gia với số tiền đầu tư 4,3 triệu USD. Thủ đoạn lừa đảo của chúng là quảng cáo sàn có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử nổi tiếng thế giới, đặc biệt người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao từ 15 - 30% mỗi tháng.

Bên cạnh sự việc trên, mới đây, hàng trăm nhà đầu tư có đơn tố cáo bị lừa cả nghìn tỷ đồng khi “đổ tiền” vào dự án tiền ảo Robomine (RBM). Dự án nói trên cũng hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư và vụ việc hiện đã được Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) giao cho Công an thành phố Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.

Có thể thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo tiền ảo tràn lan ở Việt Nam trong thời gian qua là do tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng. Lợi dụng điều đó, những kẻ lừa đảo đã tuyên truyền về các dự án ứng dụng công nghệ Blockchain, đồng thời vẽ ra các sơ đồ tài chính hấp dẫn để kích thích các nhà đầu tư không nghi ngờ. Từ đó, chúng tạo ra các phương pháp gian lận, chẳng hạn như lừa đảo để khuyến khích đầu tư.

Thị trường tiền ảo nói riêng và Blockchain nói chung đang rất được tội phạm mạng quan tâm.

Thị trường tiền ảo nói riêng và Blockchain nói chung đang rất được tội phạm mạng quan tâm.

Bà Võ Dương Tú Diễm - Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào, Myanmar của hãng bảo mật Kaspersky nhận định: “Việc tiền ảo bùng nổ trên toàn cầu đã khiến đông đảo người dùng Việt mơ ước làm giàu nhanh chóng từ cuộc chơi này. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng có những tội phạm mạng luôn rình rập trực tuyến. Hãy thận trọng khi thấy các email hoặc quảng cáo hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn”.

Theo bà, số lượng các dự án lừa đảo được ngụy trang dưới dạng các ứng dụng công nghệ Blockchain do tội phạm mạng tạo ra đang gia tăng. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà đầu tư phải hết sức cảnh giác để bảo vệ số tiền quý giá mình kiếm được trên môi trường trực tuyến.

Theo các chuyên gia bảo mật Kaspersky, người dùng phải tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi quyết định tham gia bất kỳ dự án nào được quảng cáo ứng dụng công nghệ Blockchain. Nhiều dự án lừa đảo hiện nay đang mạo danh ứng dụng Blockchain để giăng bẫy người dùng. Đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo bằng kỹ thuật xã hội đơn giản nhưng dễ thu hút người dùng nhờ “đánh” vào lòng tham của họ. Đặc biệt, ngay cả những dự án có ứng dụng Blockchain cũng không hẳn là an toàn tuyệt đối.

Hiện nay, những chiêu trò gian lận vẫn xảy ra với các hệ thống bảo mật cao như Blockchain vì những kẻ lừa đảo vẫn có thể lấy được thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân của người dùng. Một điều cũng cần được lưu ý, bản thân Blockchain chứa thông tin nhạy cảm về tài sản và cơ sở hạ tầng của người dùng và doanh nghiệp nên việc bảo vệ toàn diện là cực kỳ quan trọng.

Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức và cảnh giác, người dùng hãy luôn sử dụng các biện pháp để bảo vệ mình và ví tiền của mình. Để giúp người Việt Nam nắm bắt tiềm năng của tiền điện tử một cách an toàn, Kaspersky gợi ý giải pháp Blockchain Security có khả năng:

- Ứng phó và Phục hồi sự cố: Phản ứng tức thì đối với các hành vi xâm nhập, xâm phạm danh tính và vi phạm bảo mật. Vô hiệu hóa các cuộc tấn công mạng trước khi chúng gây tổn hại đến hệ thống. 

- Đánh giá bảo mật ứng dụng: Đánh giá mã, phát hiện các mối đe dọa đối với smart contract (hợp đồng thông minh) và các nhược điểm của nền tảng. Ngăn ngừa tổn thất do mã độc gây ra trong smart contract hoặc Blockchain.

- Đào tạo nhận thức: Mỗi người dùng cần phải nắm rõ các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa rò rỉ. Tìm hiểu cách phản ứng khi ứng dụng Blockchain gặp rủi ro và cách ngăn chặn các sự cố bảo mật.

- Bảo vệ chống lại gian lận và lừa đảo: Giảm nguy cơ lừa đảo và rò rỉ dữ liệu do hoạt động gian lận và lừa đảo - đây vẫn là những mối đe dọa tiềm ẩn ngay cả đối với các hệ thống được bảo vệ.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, trả lời báo chí về vấn đề đầu tư tiền ảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận gần đây vấn đề đầu tư vào tiền ảo rộ lên. Theo ông, từ năm 2012 - 2013 đã đặt ra câu chuyện này và năm 2014 đã có tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng, xác định tiền ảo là tiền nào.

"Ví dụ như tiền Bitcoin hoặc một số loại tiền khác có phải là tiền pháp lệnh của chúng ta không? Chúng tôi khẳng định không phải đồng tiền pháp lệnh! Nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp", ông Tú nhấn mạnh.

"Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam", ông nói thêm.

Chính vì thế, ông Tú khẳng định: Việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng như NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Nguồn: [Link nguồn]

Dấu hiệu cho thấy máy tính đang bị hacker cài mã độc để... đào tiền ảo

Bất kể chiếc máy tính nào cũng có thể đang chứa lỗ hổng bảo mật và bị kẻ gian cài mã độc, để đào điền ảo khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN