Người dùng Kaspersky "tá hỏa" vì bị cài đặt phần mềm lạ
Chương trình diệt virus Kaspersky bỗng dưng biến mất khỏi nhiều máy tính một cách âm thầm.
Một sự việc bất ngờ đã xảy ra với người dùng Kaspersky tại Mỹ khi phần mềm diệt virus quen thuộc của họ đột ngột biến mất, đồng thời được thay thế bằng những cái tên kỳ lạ như UltraAV và UltraVPN mà họ không hề nhận được bất kỳ cảnh báo nào.
Kaspersky tự động gỡ chương trình khỏi máy tính người dùng tại Mỹ.
Sự việc này diễn ra trong bối cảnh Kaspersky bị chính phủ Mỹ cấm bán và cập nhật phần mềm do lo ngại về nguy cơ bị nhà nước Nga lợi dụng để thu thập thông tin nhạy cảm. Để đối phó với tình hình này, Kaspersky đã chuyển hướng khách hàng sang UltraAV, một công ty bảo mật mới tại Mỹ. Tuy nhiên, cách thức chuyển đổi đột ngột và không thông báo trước đã gây ra nhiều tranh cãi.
Nhiều người dùng đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội về việc phần mềm bị thay đổi mà không được sự đồng ý của họ. Họ cho rằng mình nên có quyền lựa chọn có sử dụng phần mềm mới hay không.
Trước làn sóng phản ứng, đại diện Kaspersky đã xác nhận sự việc và cho biết đây là giải pháp nhằm đảm bảo người dùng không bị gián đoạn trong việc bảo vệ máy tính sau khi Kaspersky rút khỏi thị trường Mỹ. Công ty cũng khẳng định UltraAV sẽ cung cấp dịch vụ bảo mật tương tự.
Tuy nhiên, cựu giám đốc an ninh mạng Rob Joyce của NSA đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro bảo mật tiềm ẩn khi Kaspersky có quyền truy cập cấp cao vào hệ thống. Ông cho rằng việc tự động gỡ bỏ và cài đặt phần mềm mới mà không có sự đồng ý của người dùng là một hành động nguy hiểm.
Hiện chưa rõ liệu Kaspersky có áp dụng chính sách tương tự tại các quốc gia khác hay không.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy những thách thức mà Kaspersky phải đối mặt sau lệnh cấm của Mỹ. Mặc dù việc chuyển đổi sang UltraAV có thể là một giải pháp tạm thời, nhưng nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về quyền riêng tư và sự lựa chọn của người dùng.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ Mỹ vừa ban hành quyết định cấm các hoạt động thương mại của công ty bảo mật Kaspersky của Nga.