Người dùng iPhone "than trời" vì tin nhắn spam qua iMessage

Đó là các tin nhắn tuyển dụng việc làm, lừa đảo những người "nhẹ dạ cả tin" và thực tế đã có người mất hơn 822 triệu đồng.

Thời gian gần đây, người dùng iPhone liên tục nhận phải những tin nhắn tuyển dụng việc làm qua iMessage. Điều đáng nói là những tin tuyển dụng này hoàn toàn nhằm mục đích lừa đảo, đã được các cơ quan chức năng cũng như các nhà mạng, ngân hàng cảnh báo thường xuyên.

" TIKI shop cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn chỉ 50 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng . Yêu cầu độ tuổi : 23+ tuổi . Thu nhập 280k - 1200k . Nhận tiền trong ngày .", trích nội dung một tin nhắn lừa đảo giả danh Tiki.

Tin nhắn spam liên tục về việc làm tại nhà.

Tin nhắn spam liên tục về việc làm tại nhà.

Đều đặn mỗi ngày nhận phải một tin nhắn dạng này qua iMessage từ các địa chỉ email khác nhau (iMessage cho phép gửi tin nhắn miễn phí qua email hoặc số điện thoại đã đăng ký dịch vụ), anh Thanh Nam (31 tuổi, TP.HCM) không khỏi bức xúc: "Cứ nghe ting ting, thấy tin nhắn hiển thị từ cái email trời ơi đất hỡi là biết spam rồi. Ngày nào cũng vậy, bực không tả nỗi".

Anh Nam cho biết, khi nhận những tin nhắn dạng này, anh không biết làm gì khác ngoài việc xóa đi và chọn "thư rác" khi thông báo hiện ra. Theo anh, iMessage hiểu đây là tin nhắn rác nhưng mỗi lần gửi, kẻ gian lại sử dụng một email khác nhau nên có lẽ Apple cũng phải "bó tay".

Chị Hạnh (27 tuổi, TP.HCM) cũng chung hoàn cảnh. Từ ngày chuyển sang sử dụng iPhone, chị liên tục nhận những tin nhắn như vậy qua iMessage. Không chỉ các tin nhắn tuyển dụng giả danh Tiki, chị còn nhận phải các tin nhắn giả danh Amazon, TikTok, Shopee,...

"Không khó để nhận ra đây các tin nhắn lửa đảo, nhưng tôi lo lắng không biết những người dùng ít kinh nghiệm khác có thể sẽ bị lừa do thông tin tuyển dụng quá hấp dẫn. Việc kẻ gian kiên trì gửi tin nhắn liên tục như vậy chứng tỏ có thể chúng đã có những con mồi", chị Hạnh nói.

Chi tiết một nội dung tin nhắn lừa đảo tuyển dụng việc làm.

Chi tiết một nội dung tin nhắn lừa đảo tuyển dụng việc làm.

Thật vậy, ngày 18/4, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an từng đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 và đang tích cực điều tra để làm rõ. Nạn nhân trong vụ án này là chị P.T.H (sinh năm 1990; ngụ phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 822 triệu đồng.

Khi nhận được nội dung tuyển dụng việc làm như trên, chị P.T.H đã chủ động để lại số điện thoại, sau đó tài khoản Zalo tên Nguyễn Thùy Dung kết bạn và tự giới thiệu là chuyên viên tư vấn của Shopee, yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, trong đó tài khoản ngân hàng.

Dung đã cấp cho chị H. một mã cộng tác viên ký hiệu là A688, rồi gửi các đường link (mỗi đường link mà Dung gửi tương ứng với một sản phẩm, các sản phẩm này đều thuộc trang web Shopee.vn) và yêu cầu chị H. nhấp vào đường link này sẽ thấy mã sản phẩm kèm giá tiền.

Ngoài ra, Dung còn cung cấp một tài khoản ngân hàng Techcombank mang tên "PHAM THU HA" và hướng dẫn chị H thực hiện thao tác mua sản phẩm có trong đường link rồi thanh toán bằng cách chuyển tiền đến số tài khoản trên.

Khi đã chuyển tiền qua ứng dụng của ngân hàng, khoảng 10 phút sau tài khoản chị H. nhận được số tiền đã mua sản phẩm cùng với 10% hoa hồng giá trị sản phẩm. Kẻ gian giải thích với chị H. rằng, đây là hình thức kích cầu cho gian hàng để tăng doanh số bán hàng.

Với cách trên, lần đầu Dung gửi cho chị H. đường link của mã sản phẩm có giá 340.000 đồng, chị H chuyển tiền đặt mua sản phẩm này và nhận lại 374.000 đồng. Tiếp đó, đối tượng này gửi đường link của mã sản phẩm có giá 220.000 đồng và một mã sản phẩm có giá 639.000 đồng, kết quả chị H nhận lại được tổng là 944.900 đồng.

Do ham lợi nhuận, chị H. tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt mua bán lòng vòng. Cuối cùng, chị H. đã chuyển số tiền hơn 822 triệu đồng cho kẻ gian, và đối tượng tên Dung cũng biệt tăm từ đây.

Người dân phải cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, với các phương thức thủ đoạn như sau:

- Mạo danh nhân viên của các trang như: Shopee, Lazada, Tiki,... lôi kéo người dùng tham gia cộng tác viên (CTV) bán hàng online với hoa hồng hấp dẫn 10 - 20%.

- Yêu cầu CTV đặt đơn hàng ảo và phải thanh toán tiền đơn hàng trước sau đó mới được nhận tiền gốc và hoa hồng đơn hàng.

- Chiếm đoạt toàn bộ số tiền CTV đã thanh toán đơn hàng.

Nguồn: [Link nguồn]

Amazon lên tiếng về tin nhắn tuyển dụng lương tới 1 triệu/ngày, trả tiền liền

Amazon khẳng định: "Hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN