Người dân Trùng Khánh sống ra sao trong thành phố hơn 2 triệu camera giám sát?

Sự kiện: Công nghệ

Trùng Khánh là thành phố bị giám sát nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, người dân sống tại đây sẵn sàng đánh đổi một số quyền riêng tư lấy sự an toàn cho bản thân.

Trùng Khánh có hơn 2,58 triệu camera giám sát. Ảnh minh họa: SCMP

Trùng Khánh có hơn 2,58 triệu camera giám sát. Ảnh minh họa: SCMP

Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, Wu Fuchun, tài xế taxi 33 tuổi, đỗ xe để tìm chỗ đi vệ sinh. 5 phút sau, anh nhận được tin nhắn thông báo xe đỗ sai, vi phạm luật giao thông, bị phạt 3 điểm trên bằng lái và 200 nhân dân tệ.

Wu không tỏ ra ngạc nhiên. Bị phạt như thế này không phải điều gì mới mẻ tại Trùng Khánh, thành phố bị giám sát gắt gao nhất thế giới.

Năm 2019, Trùng Khánh có khoảng 2,58 triệu camera giám sát trên 15,35 triệu dân, cao hơn nhiều tại Bắc Kinh, theo thống kê hồi tháng 8 của Comparitech, website cung cấp các nghiên cứu về dịch vụ công nghệ. Trong số 10 thành phố nhiều camera giám sát nhất, 8 của Trung Quốc.

Camera an ninh (CCTV) xuất hiện gần như mọi nơi tại Trùng Khánh. Dù là để kiểm soát giao thông, ngăn chặn nạn trộm cắp trong nhà hàng, siêu thị hay theo dõi an ninh công cộng tại công viên, trung tâm thương mại, nơi nào cũng có camera.

Các thành phố cấp một như Bắc Kinh và Thượng Hải đều triển khai camera giám sát bên cạnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận diện gương mặt trong điều tiết giao thông, xác định tài xế vi phạm. Tại Thâm Quyến, người đi sai luật không chỉ bị bêu tên trên màn hình LED lớn mà còn bị cảnh báo và phạt qua tin nhắn tức thời.

Dù vậy, Trùng Khánh mới là thành phố đứng đầu về số lượng camera giám sát. Một số chuyên gia cho rằng có điều này là vì chiến dịch cao cấp nhằm triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức dưới sự chỉ đạo của ông Bo Xilai (Bạc Hy Lai), người giữ chức ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư chi bộ đảng Trùng Khánh từ năm 2007 tới năm 2012. Chiến dịch liên quan tới việc triển khai hệ thống giám sát điện tử rộng rãi trong thành phố.

Vài người khác lại nhắc đến vai trò nổi bật của Trùng Khánh trong “Skynet Projetc”, hệ thống giám sát quốc gia của Trung Quốc với hơn 20 triệu camera tại các địa điểm công cộng. Truyền thông nước này mô tả Skynet là mạng lưới giám sát lớn nhất thế giới, gọi đây là “đôi mắt bảo vệ Trung Quốc”.

Người dân Trùng Khánh bất ngờ khi thành phố của họ đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố bị giám sát nhiều nhất nhưng xem đây là điều tốt. Tài xế Wu cho biết có nhiều camera giám sát mang lại cảm giác an toàn và ít tội phạm hơn.

Camera giám sát trên đường phố Trùng Khánh. Ảnh: SCMP

Camera giám sát trên đường phố Trùng Khánh. Ảnh: SCMP

Sau khi lái xe taxi được 3 năm, anh nhận ra nhiều loại camera trên đường phố và mục đích của chúng. Chẳng hạn, camera đặt trong các khối lập phương trắng, dài trên các khung kim loại dọc đường phố xác định tốc độ và dây an toàn đã được cài hay chưa, còn camera có ống kính chuyển động tại các khu trung tâm và mua sắm phát hiện đỗ xe trái phép. Camera lắp trên các cột kim loại cao gần ngã tư theo dõi số lượng xe cộ trên đường, điều chỉnh đèn tín hiệu. Camera dùng ống kính lồi có thể phóng to và quan sát tại các khu vực lớn.

Liu Gangqiang, tài xế taxi 6 năm, cũng đồng tình với Wu. Mạng lưới camera giám sát giúp giảm tai nạn giao thông và bảo vệ họ trước những hành khách tai quái.

Giống với nhiều người khác tại Trung Quốc, Wu sẵn sàng đổi một số quyền riêng tư lấy sự an toàn. “Chẳng ảnh hưởng gì nếu bạn không trộm cắp hay vi phạm pháp luật. Bạn chỉ làm thứ nên làm. Nó không liên quan đến quyền riêng tư bởi họ (chính phủ) không lắp camera trong nhà của bạn”, Wu nêu quan điểm. Ông Liu thì cho rằng: “Miễn là chúng (camera giám sát) không chĩa vào phòng ngủ và phòng khách nhà tôi, nó không làm sao cả. Tại sao chúng ta lại cần quyền riêng tư ở nơi công cộng”?

Dù vậy, gần đây camera cũng được lắp trong xe hơi. Theo thông báo trên website của Cục Giao thông Trùng Khánh năm 2018, 15.000 taxi sẽ được lắp camera bên trong để theo dõi xem tài xế có hút thuốc và đúng là người được đăng ký không. Liu cảm thấy có chút bó buộc nhưng phải làm quen với nó nếu còn muốn làm công việc lái taxi.

Một người dân Trùng Khánh khác, Tu Jianquan, 41 tuổi, cho biết con gái ông học ở trường mầm non tư thục, gắn camera giám sát trong lớp học. Phụ huynh có thể theo dõi con cái đang làm gì theo thời gian thực. Nó giúp họ bớt lo lắng hơn khi gửi con đến lớp.

Tất nhiên, các công dân Trung Quốc cũng lo ngại về hệ thống giám sát. Bản thân ông Tu nói rằng không muốn bị camera trong xe taxi theo dõi trong trường hợp thông tin trên điện thoại của mình bị khai thác mà ông không hề hay biết.

Dù sao đi nữa, thị trường thiết bị giám sát video của Trung Quốc vẫn đang nở rộ. Nó chạm mốc 10,6 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 20,1 tỷ USD trong năm 2023, theo dự báo của IDC. IDC chỉ ra một phần là do cấu trúc của thành phố thông minh.

Ngoài ra, chính phủ đóng góp 47,6% trong tổng chi tiêu trên thị trường thiết bị giám sát video Trung Quốc năm ngoái, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm 10,7% và giáo dục 7,1%. Giám sát trong khu vực tư nhân cũng gia tăng.

Chen Yuan mở cửa hàng tiện lợi năm 2015, lắp 5 camera, trong đó 1 camera theo dõi hoạt động vào ban đêm. Nếu có người đột nhập, chuông báo động sẽ kêu và Chen nhận được cảnh báo tức thì. Ông chi khoảng 2.000 nhân dân tệ để mua trang thiết bị. Phần lớn các chủ hàng khác đều như vậy. Hệ thống giúp ông vài lần bắt được trộm và lấy lại tiền.

Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ nhận diện dáng đi để giám sát công dân

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu triển khai một công cụ giám sát mới: phần mềm "nhận diện dáng đi", sử dụng hình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Lam (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN