Ngôi sao sáng chói cạnh Mặt Trăng trên bầu trời đêm 24/3 là gì?

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Trăng, sao sáng rực cạnh nhau là hiện tượng lý thú, đẹp mắt khiến những ai nhìn thấy đều muốn chụp ảnh.

Ảnh thực tế Mặt Trăng cùng với một ngôi sao sáng rực tối 24/3.

Ảnh thực tế Mặt Trăng cùng với một ngôi sao sáng rực tối 24/3.

Đêm 24/3 (nhằm 3/2 âm lịch), nhiều người ở Việt Nam đã tận mắt nhìn thấy Mặt Trăng hình lưỡi liềm cùng với một ngôi sao sáng rực ở rất gần Mặt Trăng. Đây là hiện tượng lý thú, đẹp mắt khiến những ai nhìn thấy đều muốn chụp ảnh, bàn tán xôn xao.

"Trên ông Trăng có ngôi sao sáng quá, trông như hình ảnh ngôi sao nằm trong lòng ông Thư thường được vẽ trong đời sống vậy", Facebooker Trang Trần (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ kèm bức ảnh.

"Đang xem phim ngôn tình tới đúng đoạn thần tiên hái sao tặng người thương, nhìn lên trời thấy sao, trăng lấp lánh, chụp vội bước ảnh bằng điện thoại mà vẫn rõ ghê. Lần đầu tiên thấy cảnh này mà rõ ràng tới như vậy. Cảm xúc thật sự!", một Facebooker khác mô tả.

Liên quan tới hiện tượng này, trao đổi với PV, ông Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết, ngôi sao xuất hiện sáng rõ bên cạnh Mặt Trăng tối 24/3 là Kim tinh. Hai hành tinh này đã giao hội với độ phân tách khoảng 5 phút 57 giây.

"Trong những lần giao hội, độ phân tách càng nhỏ đồng nghĩa khoảng cách giữa hai vật thể trong không gian càng gần. Để cả hai giao hội trên 5 phút 57 giây là tương đối hiếm", ông Duy nói.

Clip mô phỏng vị trí của sao Kim tối 24/3.

Theo ông Duy, muốn quan sát hiện tượng giao hội với độ phân tách gần như tối 24/3 có khi phải chờ cả thập kỷ: Lần gần nhất giao hội với độ phân tách trên 5 phút là vào ngày 1/2/2019 với 5 phút 21 giây; trong tương lai, cả hai sẽ tiếp tục giao hội với độ phân tách 8 phút 54 giây vào ngày 23/6/2033.

Đặc biệt, Chủ nhiệm HAAC cho biết thêm, người quan sát hiện tượng tối 24/3 trên lãnh thổ Việt Nam có thể thấy ngôi sao nằm ở các vị trí khác nhau xung quanh hoặc trùng với Mặt Trăng.

Tùy góc quan sát, có thể thấy Kim tinh ở các vị trí khác nhau xung quanh hoặc trùng với Mặt Trăng. (Ảnh: Bảo Trân)

Tùy góc quan sát, có thể thấy Kim tinh ở các vị trí khác nhau xung quanh hoặc trùng với Mặt Trăng. (Ảnh: Bảo Trân)

Thông tin trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết, sao Kim hay Kim tinh (còn gọi là sao Thái Bạch hay Thái Bạch Kim tinh), tiếng Anh là Venus. Đây là hành tinh thứ 2 trong hệ Mặt Trời, tự quay quanh nó với chu kỳ 224,7 ngày Trái Đất. Xếp sau Mặt Trăng, nó là thiên thể tự nhiên sáng nhất trong bầu trời tối, với cấp sao biểu kiến bằng −4.6, đủ sáng để tạo nên bóng trên mặt nước.

Bởi vì sao Kim là hành tinh phía trong tính từ Trái Đất, nó không bao giờ xuất hiện trên bầu trời mà quá xa Mặt Trời: Góc ly giác đạt cực đại 47,8°. Sao Kim đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, do vậy mà dân gian còn gọi là sao Hôm - khi hành tinh này hiện lên lúc hoàng hôn, hay sao Mai - khi hành tinh này hiện lên lúc bình minh.

Sao Kim được xếp vào nhóm hành tinh đất đá và đôi khi người ta còn coi nó là "hành tinh chị em" với Trái Đất do kích cỡ, gia tốc hấp dẫn, tham số quỹ đạo gần giống với Trái Đất. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra rằng, nó rất khác Trái Đất trên những mặt khác.

Sao Kim bị bao bọc bởi lớp mây dày có tính phản xạ cao chứa axit sunfuric, khiến chúng ta không thể quan sát bề mặt của nó dưới bước sóng ánh sáng khả kiến. Mật độ không khí trong khí quyển của nó lớn nhất trong số bốn hành tinh đất đá, với thành phần chủ yếu là cacbon dioxide.

Áp suất khí quyển tại bề mặt hành tinh cao này cao gấp 92 lần so với Trái Đất. Với nhiệt độ bề mặt trung bình 462°C, sao Kim là hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt Trời. Nó không có chu trình cacbon để đưa cacbon trở lại đá và đất trên bề mặt, do vậy không thể có một tổ chức sống hữu cơ nào có thể hấp thụ nó trong sinh khối.

Một số nhà khoa học từng cho rằng, sao Kim từng có những đại dương trong quá khứ, nhưng đã bốc hơi khi nhiệt độ hành tinh tăng lên do hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát. Nước có thể đã bị quang ly, và bởi vì không có từ quyển hành tinh nên hydro tự do có thể thoát vào vũ trụ bởi tác động của gió Mặt Trời. Toàn bộ bề mặt của sao Kim là một hoang mạc khô cằn với đá và bụi, và có lẽ vẫn còn núi lửa hoạt động trên hành tinh này.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà chức trách Mỹ thừa nhận khả năng có tàu thăm dò của người ngoài Trái Đất

Các nhà chức trách của Lầu Năm Góc (Mỹ) cho rằng tàu mẹ của người ngoài Trái Đất ở ngay trong Hệ Mặt Trời của chúng ta và có thể đã đưa các tàu thăm dò đến Trái Đất,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN