NASA nhắm 3 mục tiêu lạ có thể tồn tại sự sống ngoài hành tinh
Các nhà khoa học Mỹ chứng minh rằng 3 "địa ngục băng" mà NASA sắp gửi tàu vũ trụ đến nghiên cứu có thể sở hữu đại dương ngầm đầy sự sống.
Nghiên cứu mới từ Viện Địa vật lý thuộc Đại học Texas và Đại học California Santa Cruz (Mỹ) cho thấy 3 thế giới lạnh lẽo mang tên Miranda, Ariel và Umbriel có thể sở hữu đại dương ngầm ấm áp và sự sống ngoài hành tinh.
Miranda, Ariel và Umbriel là 3 mặt trăng băng giá của Sao Thiên Vương, được đặt tên theo nhân vật trong các vở kịch của nhà văn - nhà viết kịch lừng danh người Anh William Shakespeare.
Sao Thiên Vương và các mặt trăng của nó - Ảnh: BBC SKY AND NIGHT MAGAZINE
Theo Sci-News, khi tàu Voyager 2 của NASA bay qua Sao Thiên Vương vào năm 1986, nó đã chụp được những bức ảnh nhiễu hạt về những mặt trăng lớn phủ đầy băng.
Hiện nay, NASA đang có kế hoạch gửi một tàu vũ trụ khác tới Sao Thiên Vương, được trang bị đặc biệt để xem xét liệu các mặt trăng của hành tinh xa xôi này có ẩn chứa đại dương nước lỏng hay không.
Sao Thiên Vương vốn rất xa Mặt Trời nên bề mặt của nó lẫn các vệ tinh đều cực lạnh, khó lòng sống được.
Nhưng nếu đại dương ngầm tồn tại, lớp vỏ băng bên ngoài trở thành lớp cách nhiệt rất tốt. Chưa kể để có nước lỏng, phải có nguồn nhiệt làm ấm nước như các hệ thống thủy nhiệt dưới đáy đại dương Trái Đất, nơi sự sống có thể phát sinh và nương náu.
Nhiệm vụ của NASA vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu và những nghiên cứu cung cấp dữ liệu để xây dựng kế hoạch là vô cùng cần thiết.
Đó là các nghiên cứu nhằm tìm kiếm những bằng chứng ủng hộ niềm tin về sự sống ngoài hành tinh, cũng như cung cấp gợi ý về cách mà tàu vũ trụ có thể nắm bắt các dấu hiệu sự sống khi tiếp cận.
Công trình mới là một điển hình, trong đó các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình máy tính mới có thể được sử dụng để phát hiện đại dương bên dưới băng chỉ bằng camera của tàu vũ trụ.
Mô hình máy tính của họ hoạt động bằng cách phân tích những dao động nhỏ - hay sự dao động - trong các mặt trăng quay khi nó quay quanh hành tinh mẹ.
Từ đó có thể tính toán được lượng nước, băng và đá bên trong. Độ lắc lư ít hơn có nghĩa là mặt trăng chủ yếu là rắn, trong khi độ lắc lư lớn có nghĩa là bề mặt băng giá đang trôi nổi trên đại dương nước lỏng.
Khi kết hợp với dữ liệu trọng lực, mô hình sẽ tính toán độ sâu của đại dương cũng như độ dày của lớp băng bên trên.
Để tìm hiểu xem liệu kỹ thuật tương tự có hiệu quả với Sao Thiên Vương hay không, các tác giả đã thực hiện các tính toán lý thuyết cho 5 mặt trăng của nó để đưa ra một loạt các kịch bản hợp lý.
Trong đó, 3 mặt trăng Miranda, Ariel và Umbriel được cho là có nhiều cơ hội nhất, dựa trên các dữ liệu hiện có.
Thí nghiệm cũng cho thấy để công việc được hoàn hảo hơn, tàu vũ trụ mới sẽ phải đến gần hơn nhiều so với Voyager 2 và hoặc trang bị thêm camera cực mạnh.
Bước tiếp theo là mở rộng mô hình bao gồm các phép đo bằng các thiết bị hiện đại giả định đó và xem các kết quả được cải thiện như thế nào.
TS Doug Hemingway, nhà khoa học hành tinh tại Viện Địa vật lý thuộc Đại học Texas, cho biết: “Việc khám phá ra đại dương nước lỏng bên trong các vệ tinh của Sao Thiên Vương sẽ thay đổi suy nghĩ của chúng ta về phạm vi khả năng tồn tại của sự sống”.
Trước đây, các nhà khoa học thường tìm kiếm sự sống trên hoặc xung quanh các hành tinh thuộc "vùng sự sống" Goldilocks của các hệ sao như Trái Đất, Sao Kim và Sao Hỏa.
Nhưng nếu Sao Thiên Vương hay các mặt trăng của nó có cơ hội cho sự sống thì các hành tinh tương tự trong các hệ sao khác cũng vậy.
Vật thể được đặt tên "Lâu đài Freya" nằm chễm chệ giữa "đồng bằng sự sống" Jezero Crater nhưng không thuộc về nơi đó.
Nguồn: [Link nguồn]