NASA công bố ảnh sốc về "địa ngục" của hệ Mặt Trời
Bức ảnh chụp bằng camera hồng ngoại từ tàu vũ trụ Juno của NASA cho thấy một thiên thể chi chít hàng chục núi lửa khổng lồ nóng đỏ dung nham.
Theo Science Alert, thiên thể trong hình ảnh vừa được công bố chính là "mặt trăng núi lửa" Io của Sao Mộc. Io cùng với Ganymede, Europa, Calisto là 4 mặt trăng lớn nhất của hành tinh này, được nhà khoa học lừng danh Galileo Galilei phát hiện từ đầu thế kỷ 17.
Bức ảnh vừa được NASA công bố thể hiện một Io đỏ rực dưới ánh sáng hồng ngoại, với những đốm và vệt màu vàng sáng, chính là những dòng dung nham núi lửa nóng đỏ.
Mặt trăng núi lửa Io trong hình ảnh mới nhất - Ảnh: JUNO/NASA
Theo trưởng nhóm điều hành Juno - nhà thiên văn học Scott Bolton từ NASA - Io sở hữu hàng trăm ngọn núi lửa, đặc biệt dày đặc ở hai vùng cực. Nó được cho là thiên thể chứa nhiều núi lửa nhất trong hệ Mặt Trời.
Hình ảnh vừa được công bố dựa trên dữ liệu ngày 5-7 của tàu Juno. Chiến binh khai phá Sao Mộc này của NASA cũng sẽ bay qua mặt trăng núi lửa Io một lần nữa vào ngày 15-12, là chuyến bay đầu tiên trong số 9 chuyến bay ngang qua nó mà NASA đã lên kế hoạch trong vòng 1 năm rưỡi tới.
Các nhà khoa học hy vọng sẽ thu thập thêm dữ liệu về các ngọn núi lửa của Io cũng như dữ liệu về từ quyển của nó - đóng vai trò lớn trong việc hình thành cực quang của Sao Mộc. Một từ quyển khá mạnh mẽ như Io sở hữu là điều rất hiếm thấy đối với các vệ tinh của hành tinh.
Io được đặt theo tên của nữ thần Io xinh đẹp trong thần thoại Hy Lạp, người được chúa tể bầu trời Zeus yêu mến và có với ông một người con. Jupiter - tên quốc tế của Sao Mộc - chính là tên của thần Zeus trong thần thoại La Mã.
Dữ liệu mà tàu Juno thu thập được sẽ cung cấp thông tin để các nhà khoa học chuẩn bị cho các sứ mệnh khám phá chi tiết Sao Mộc và các mặt trăng khổng lồ của nó trong tương lai. Gần nhất sẽ là sứ mệnh Clipper đang được chuẩn bị, với nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết của sự sống trên mặt trăng Europa.
Một dạng thế giới tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết, thần thoại; bị giới thiên văn nghi ngờ nhưng cho đến nay vẫn chỉ được coi là loại hành tinh giả...
Nguồn: [Link nguồn]