NASA chỉ trích Trung Quốc không chia sẻ thông tin về tên lửa rơi ngược lại Trái đất
Ngày 30/7, một tên lửa của Trung Quốc rơi ngược lại Trái đất, xuống Ấn Độ Dương, nhưng NASA nói rằng Bắc Kinh không chia sẻ “thông tin cụ thể về quỹ đạo” để biết vật thể có thể rơi xuống đâu.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng lên ngày 24/7. (Ảnh: Reuters)
Bộ Tư lệnh vũ trụ Mỹ nói rằng tên lửa Trường Chinh 5B rơi ngược trở lại xuống Ấn Độ Dương lúc 16h45 (giờ GMT), nhưng họ đã chuyển câu hỏi về “các khía cạnh kỹ thuật của vụ rơi, như vị trí có khả năng phát tán mảnh vỡ” đến Trung Quốc.
“Tất cả các nước khám phá vũ trụ cần tuân thủ cách thực hành tốt nhất đã có và thực hiện nghĩa vụ của mình trong chia sẻ thông tin để hỗ trợ dự báo rủi ro mà mảnh vỡ có thể gây ra”, Giám đốc NASA Bill Nelson phát biểu.
“Việc này rất quan trọng đối với sử dụng vũ trụ một cách có trách nhiệm và bảo đảm an toàn cho những người trên Trái đất”, ông Nelson nói.
Cư dân mạng ở Malaysia đăng một video về vật thể có vẻ là mảnh vỡ tên lửa.
Aerospace Corp, một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận ở Mỹ, nói rằng việc để phần lõi chính của tên lửa, với trọng lượng lên đến 22,5 tấn, rơi không kiểm soát xuống Trái đất là hành động liều lĩnh.
Đầu tuần này, các nhà phân tích nói rằng phần thân của tên lửa sẽ vỡ ra khi tái nhập khí quyển, nhưng các mảnh vỡ vẫn có kích thước lớn khi rơi xuống khu vực dài khoảng 2.000km, rộng khoảng 70km.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa phản hồi đề nghị bình luận. Đầu tuần này, Trung Quốc khẳng định sẽ theo dõi các mảnh vỡ, nhưng khẳng định số rác này sẽ gây ít rủi ro cho con người trên mặt đất.
Tên lửa Trường Chinh 5B bay lên từ ngày 24/7 để đưa một khoang thí nghiệm lên trạm vũ trụ mới của Trung Quốc. Đây là lần thứ ba Trung Quốc phóng tên lửa mạnh nhất của họ, kể từ cuộc phóng đầu tiên năm 2020.
Năm 2020, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Bờ biển Ngà, gây hư hại nhiều nhà cửa ở quốc gia thuộc vùng Tây Phi, dù không có ai thương vong.
Vật thể được đề cập là tầng giữa nặng khoảng 25 tấn của tên lửa Long March 5B, được phóng lên quỹ đạo vào ngày 24-7.
Nguồn: [Link nguồn]