Nâng chất bán hàng qua mạng

Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư trang web để quảng bá sản phẩm và bán hàng qua mạng nhưng việc đầu tư nửa vời đã không mang lại hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) chuyển hướng kinh doanh bằng nhiều phương thức bán hàng trực tuyến để tiết kiệm chi phí thì không ít DN vẫn đang lãng phí một khoản đầu tư không nhỏ vào trang web mà hiệu quả không cao hoặc đang bỏ ngỏ hướng kinh doanh này.

Nhiều trang web sống “đời thực vật”

Bà Đỗ Thị Liên, Giám đốc Công ty Ngọc Thực (Quảng Ninh), cho biết khi chuẩn bị làm nhà xưởng, bà mất khá nhiều thời gian lên mạng tìm các đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. “Có rất nhiều trang web cung cấp vật liệu nhưng thông tin rất sơ sài, chủ yếu nội dung giới thiệu lịch sử của công ty và một vài mẫu sản phẩm... Có nơi thì có báo giá sản phẩm nhưng khi gọi điện thì họ lại đưa ra một giá khác. Họ giải thích giá trên trang web là cách đây 1 năm” - bà Liên cho biết.

Nâng chất bán hàng qua mạng - 1

Đầu tư nội dung tốt sẽ thu hút người dùng vào trang web.

Theo trào lưu, các công ty khi thành lập đều xây dựng trang web để quảng bá thương hiệu và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, những trang web này thường bị bỏ ngỏ, không được “chăm sóc”, cập nhật thông tin.

Chị Phạm Thanh H., phụ trách truyền thông một công ty tại Hà Nội, cho biết vừa thuê làm trang web cho công ty với giá 10 triệu đồng, trang web cũng có tích hợp giải pháp bán hàng. “Nhưng gần như chúng tôi không bán được hàng qua mạng. Hầu hết khách hàng đều chỉ lên mạng tìm hiểu thông tin, rồi đến tận nơi xem hàng, sau đó mới quyết định chọn sản phẩm. Có lẽ là do họ chưa đủ độ tin tưởng với việc mua hàng trên mạng” - chị H. nói.

Anh Trần Khánh D. - phụ trách kinh doanh một công ty chuyên kinh doanh xe đạp thể thao, xe đạp điện… - cho biết mỗi tháng, công ty bán được khoảng 3.000 chiếc xe các loại. Tuy nhiên, lượng hàng bán trực tuyến trong 9 tháng từ đầu năm đến nay chỉ hơn 20 chiếc.

Hiện cả nước có hàng trăm trang web bán hàng qua mạng. Tuy có số lượng lớn nhưng rất nhiều trang web lập ra gọi là cho có, dẫn đến tình trạng hoạt động không hiệu quả. Các trang web này nội dung nghèo nàn, sơ sài, ít cập nhật thông tin, hình ảnh, đặc biệt nhiều website mang danh nghĩa bán hàng nhưng khi khách hàng gọi đến thì hết hàng hay hàng hóa trong kho không có dù trên website vẫn để thông tin.

Cần đầu tư nội dung

Theo bà Trương Tố Linh - một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, giám đốc điều hành Memua.vn - các DN mới tham gia bán hàng qua mạng, thậm chí các DN lớn vẫn có thể hiểu sai về mô hình kinh doanh, cách thức vận hành, các bước phát triển và mức độ đầu tư cho trang web thương mại điện tử. Một số DN đã từng kinh doanh online nhưng thường chủ quan hoặc chỉ coi thương mại điện tử là một nhánh kinh doanh chứ không phải là “sứ mạng”.

Ông Phan Quang Minh, Giám đốc truyền thông Công ty CP Viễn thông Tinh Vân, cho biết: “Để tăng lượng truy cập, các công ty luôn muốn trang web của mình hiển thị lên các vị trí phía trên (top) khi người dùng tìm kiếm bằng Google. Nhiều công ty bán tên miền đã sử dụng thủ thuật để đưa trang web của các công ty hiển thị lên “top”. Dù vậy, nếu không thực sự đầu tư vào nội dung để nâng chất lượng trang web, tăng lượng truy cập thật sẽ sớm bị Google phát hiện. Khi bị phát hiện trang web không thu hút được lượng truy cập thực, Google sẽ hạ các website xuống vị trí thực tế của chúng”.

Theo ông Minh, để giữ được vị trí, không còn cách nào khác là DN phải đầu tư vào nội dung, phương thức hoạt động sao cho phong phú, thuận tiện với người sử dụng nhằm thu hút người dùng thật. Ngoài đầu tư thiết kế trang web bắt mắt, bố cục hợp lý, cần thường xuyên cập nhật các mặt hàng mới, thuận tiện sử dụng. Việc nâng cấp về công nghệ, sản phẩm, hạ tầng là không thể thiếu. Bên cạnh việc tăng tốc độ tìm kiếm và duyệt web, chất lượng hiển thị hình ảnh sản phẩm, lọc bỏ các chức năng không phù hợp, gạt bỏ các khu vực ít được quan tâm; thiết kế và tương tác người dùng cần bảo đảm thân thiện, đơn giản và dễ sử dụng...

Nội dung phải “thật”

Ông Nguyễn Thế Đông, Trưởng bộ phận kinh doanh 123Mua thuộc VNG, khuyến cáo: “Để các website bán hàng trực tuyến hoạt động hiệu quả, các DN cần đặt hàng thiết kế website bán riêng từ một DN chuyên làm website độc lập, không nên tự thiết kế và quản lý kỹ thuật. Tập trung vào việc kinh doanh trên trang web đã được thiết kế hoàn tất. Các thông tin phải trung thực, hình ảnh trên trang web phải chính xác, rõ ràng. Điều này rất quan trọng, nó sẽ giúp nội dung của website tốt hơn”.

Điều quan trọng nhất khi làm website bán hàng, theo ông Đông, là sản phẩm trên website phải “đồng bộ” với sản phẩm hiện có trong kho hàng của mình. Ngoài ra, mức giá bán trên website phải được tham khảo kỹ, đối chiếu với các website khác để có mức giá cạnh tranh cho khách hàng. Về nhân lực thì cần có người quản lý, chuyên cập nhật thông tin cho website, người chăm sóc, hỗ trợ, giải đáp cho khách hàng, người giao hàng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo nld.com.vn
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN