Mỹ xem xét cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc

Sự kiện: MXH TikTok

Mỹ đang nghiêm túc xem xét cấm các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc, bao gồm TikTok, Ngoại trưởng Mỹ nói hôm thứ Hai.

Ấn Độ tuyên bố sẽ cấm TikTokẢnh: Indian Express

Ấn Độ tuyên bố sẽ cấm TikTokẢnh: Indian Express

Khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình Fox News, Ngoại trượng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, “chúng tôi đang xem xét vấn đề này (cấm các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc) một cách rất nghiêm túc”.

Phóng viên hỏi liệu Mỹ có nên cân nhắc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, “đặc biệt là TikTok”. Ông Pompeo trả lời: “Về các ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại di động của mọi người, tôi có thể bảo đảm với bạn rằng, Mỹ cũng sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Tôi không muốn vượt mặt tổng thống (Donald Trump), nhưng đúng là chúng tôi đang xem xét vấn đề đó này (cấm các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc)”. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, mọi người chỉ nên tải ứng dụng nếu muốn thông tin riêng tư của mình nằm trong tay của phía Trung Quốc, CNN đưa tin.  

“TikTok do một giám đốc điều hành người Mỹ dẫn dắt, với hàng trăm nhân viên và lãnh đạo chủ chốt về an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách công ở đây, ở Mỹ”, người phát ngôn của TikTok tuyên bố sau khi Ngoại trưởng Pompeo phát biểu. “Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn việc thúc đẩy trải nghiệm ứng dụng an toàn, an ninh dành cho người dùng. Chúng tôi không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không làm vậy nếu được yêu cầu”, người phát ngôn của TikTok nói.

Nhận xét của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, mở rộng sang một số lĩnh vực trọng yếu, bao gồm an ninh quốc gia, thương mại và công nghệ.

TikTok thuộc sở hữu của một doanh nghiệp khởi nghiệp tên là ByteDance có trụ sở Bắc Kinh. Các chính trị gia Mỹ liên tục chỉ trích ứng dụng mạng xã hội này. Họ cáo buộc ứng dụng video ngắn này là một nguy cơ an ninh quốc gia vì nó có quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh. Các chính khách Mỹ cho rằng, TikTok có thể bị bắt buộc ủng hộ và hợp tác với mạng lưới tình báo của Trung Quốc.

Trước đó, TikTok nói rằng, họ hoạt động độc lập với ByteDance, các trung tâm dữ liệu của mình được đặt ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và không chịu sự chi phối của luật pháp nước này. Theo TikTok, dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ và có một bản sao lưu dự phòng (backup) ở Singapore. Người phát ngôn của TikTok nói với CNN hồi tháng Năm rằng, mối quan ngại về an ninh quốc gia là “không có cơ sở”.

TikTok gần đây trở nên phổ biến ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khác, trở thành nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc đầu tiên có được nhiều người dùng bên ngoài Trung Quốc. Trong 3 tháng đầu năm nay, ứng dụng này được tải xuống 315 triệu lần, theo công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower.

TikTok cũng đang gặp trắc trở ở một số nước khác. Tuần trước, chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ cấm TikTok và các ứng dụng Trung Quốc nổi tiếng khác vì chúng gây ra nguy cơ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.

Trên Twitter, nhóm tin tặc Anonymous cho rằng, TikTok chứa mã độc, là công cụ gián điệp. Nhóm hacker này kêu gọi người dùng khắp thế giới xóa bỏ ứng dụng video của Trung Quốc

.

TikTok đang làm gì để cứu lấy thị trường số 1 tại Ấn Độ?

TikTok bị cấm tại Ấn Độ - nơi có lượng người dùng cao nhất, khiến mạng xã hội này phải tìm cách giải vây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An ([Tên nguồn])
MXH TikTok Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN