Mua tiền giả trên Facebook dễ như… mua rau
Tình trạng mua bán tiền giả diễn ra công khai trên hàng chục trang Facebook với lời rao bán tiền giả polyme giống 98% tiền thật, giá 1 ăn 10, tức là 1 triệu đồng tiền thật mua được 10 triệu đồng tiền giả, mua số lượng nhiều thì giá càng rẻ.
Công an An Giang ngày 13/9/2017 đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Xuân Trịnh (31 tuổi, ngụ xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) về hành vi “Lưu hành tiền giả”. Đây là vụ mua bán tiền giả qua mạng Facebook gần nhất bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ.
Theo điều tra ban đầu, sau khi cùng vợ đến TP.HCM, Trịnh lên mạng Facebook đặt mua tiền giả của một đối tượng tên Trung với số lượng 250.000 đồng tiền giả mệnh giá 5.000 đồng với giá 50.000 đồng tiền thật. Đến ngày 30/8/2017, Trịnh hẹn gặp Trung tại Bến xe Miền Tây để nhận tiền giả.
Chiều cùng ngày, Trịnh gửi xe khách số tiền giả trên về huyện Châu Phú (An Giang) cho bà Trần Thị Tuyết Hường (39 tuổi, là mẹ vợ của Trịnh). Ngày hôm sau, bà Hường rủ em ruột mình là Trần Thị Kim Tiến (34 tuổi) mang tiền giả ra chợ Châu Phú tiêu thụ. Sau lần đầu dùng tiền giả mua hàng trót lọt, khi đến tiệm tạp hóa tiếp theo thì bà Tiến bị bắt quả tang.
Qua kiểm tra trên người bà Tiến, lực lượng chức năng thu giữ 49 tờ tiền giả mệnh giá 5.000 đồng. Hay tin em gái bị bắt, ngày 1/9, bà Hường đến Cơ quan Công an đầu thú và khai nhận số tiền giả trên là do con rể Đỗ Xuân Trịnh gửi về. Sau thời gian vận động, Trịnh đến Công an huyện Châu Phú đầu thú và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Riêng bà Hường và bà Tiến được tại ngoại để điều tra.
Đỗ Xuân Trịnh tại cơ quan công an (áo đỏ). Ảnh: theo báo CAND
Nạn mua bán tiền giả trên Facebook diễn ra từ nhiều năm nay, ICTnews có nhiều bài phản ánh, cơ quan công an cũng đã phá một số vụ án mua bán tiền giả qua mạng, tuy nhiên tình trạng rao bán tiền giả không hề giảm xuống mà vẫn diễn ra công khai. Gần đây nhất, Facebook Trần Minh Toàn đã đăng công khai trong Nhóm Chợ Đầu mối, rao bán tiền giả polyme giống 98% tiền thật với giá 1 ăn 10, tức là 1 triệu đồng tiền thật mua được 10 triệu đồng tiền giả. Thậm chí có Facebooker còn livestream để quảng cáo, bán tiền giả trên Facebook.
Trên Facebook, chỉ cần tìm kiếm "Buôn tiền giả" hoặc "Buôn bán tiền giả", “tien gia”, “doi tien gia” là có hàng chục trang đang tồn tại, với lời chào giá hấp dẫn, để lại số điện thoại để giao dịch mua bán, ship hàng COD trên toàn quốc. Các Facebooker này quảng cáo tiền giả giống 99% tiền thật, có thể dùng để chi tiêu nhà hàng, khách sạn, đi chợ, mua xăng "không ai phát hiện được”. Phương thức giao dịch là sau khi có người liên hệ, bọn chúng sẽ hướng dẫn người muốn đổi tiền giả chuyển tiền trước vào tài khoản ngân hàng, hoặc đặt cọc bằng mã thẻ cào của nhà mạng, sau đó có nhân viên giao hàng (tiền giả) tận nơi. Hình ảnh quảng cáo là hàng đống tiền các mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng… Có Facebook còn quảng cáo số lượng tiền giả sản xuất hàng ngày lên đến hàng tỷ đồng. Các trang rao bán tiền giả đều quảng cáo tiền giả xịn 98% như tiền thật và được nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan...
Rao bán tiền giả công khai trên Facebook.
ICTnews đã gọi điện thoại vào số di động của người rao bán tiền giả Trần Minh Toàn để hỏi cách thức mua tiền thì được biết, số lượng mua tối thiểu là 1 triệu đồng tiền thật sẽ được 10 triệu tiền giả, ở Hà Nội chỉ sau 1 tiếng rưỡi là nhận được tiền. Theo người bán này, thì người mua chỉ cần đặt cọc bằng cách nhắn mã thẻ cào khoảng 200.000 đồng của bất cứ nhà mạng nào kèm theo địa chỉ nhận hàng, sau khi nhận được mã thẻ người bán sẽ gửi tin nhắn xác nhận với người mua, sau đó có người giao tiền giả tận địa chỉ. Người bán này còn cho biết thêm, tối thiểu phải mua 500.000 đồng tiền thật thì mới giao hàng, mệnh giá nào cũng có sẵn. Khi ICTnews ngỏ ý muốn mua 100.000 đồng về tiêu thử trước xem có được không, thì người này từ chối bán vì số lượng ít và cho biết chỉ giao dịch từ 500.000 đồng trở lên.
Trả lời ICTnews, đại diện PC50 Công an Hà Nội khẳng định, nhiều trang Facebook đăng tải thông tin mua bán tiền giả nhưng thực chất là để lừa đảo những người hám lợi. Đã có không ít người vì hám lợi đã giao dịch chuyển tiền đặt cọc trước theo yêu cầu của các chủ tài khoản trên, nhưng rồi đợi mãi không thấy tiền giả chuyển lại thì mới biết là mình bị lừa. Phần lớn những kiểu lừa đảo này có ít người quan tâm. Nhưng cũng có một số người do nhận thức và ý thức hạn chế nên đã bị dính bẫy.
Rất nhiều trang bán tiền giả mới post bài đăng vào ngày 15/9/2017.
Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn nạn tiền giả vẫn tồn tại và được những kẻ phạm tội tuồn vào Việt Nam qua nhiều đường khác nhau, chủ yếu từ biên giới Trung Quốc. Vào cuối tháng 8/2017, bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn vừa bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển gần 600 triệu đồng tiền giả từ biên giới vào nội địa tiêu thụ. Qua kiểm tra, 2.900 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng được làm giả tinh vi và có nhiều số seri trùng nhau. Các đối tượng đã mua số tiền trên tại chợ Lũng Vài (Trung Quốc) với giá 105 triệu đồng tiền thật, mang về bán kiếm lời.
Vào rạng sáng 8/7/2017, tại khu vực đường mòn Đồi Cao thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, tổ công tác đồn Biên phòng Tân Thanh đã phát hiện, bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển 110 triệu đồng tiền giả, loại mệnh giá 200.000 đồng vào Việt Nam tiêu thụ. Đáng chú ý, trên các tờ tiền giả này cũng có nhiều số series trùng nhau. Đối tượng khai nhận vận chuyển thuê để lấy 1 triệu đồng tiền công, khi đang trên đường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì bị bộ đội biên phòng bắt giữ.
Theo chính sách của Facebook ghi rõ: "Chúng tôi nghiêm cấm sử dụng Facebook để hỗ trợ hoặc tổ chức hoạt động tội phạm gây tổn hại về thể chất cho mọi người, các doanh nghiệp, động vật hay thiệt hại tài chính. Chúng tôi cộng tác với các cơ quan thực thi pháp luật khi cho rằng thực sự có nguy cơ tổn hại về vật chất hoặc mối đe dọa trực tiếp tới an toàn cộng đồng".
Tuy nhiên, sau khi lọt vào Việt Nam thì Facebook chính là một kênh rao bán tiền giả của những kẻ buôn bán trái phép. Trong khi cơ quan chức năng của Việt Nam phát giác và ngăn chặn nhiều vụ mua bán tiền giả thì tiền giả lại được rao bán công khai trên Facebook, thách thức pháp luật. Mua bán tiền giả là một trong những hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam và quốc tế, nhưng nhiều tài khoản Facebook vi phạm vẫn được tồn tại và phát tán tiền giả trái phép ở Việt Nam, cho thấy chính sách của Facebook có rất nhiều kẽ hở và hành vi vi phạm của người dùng chưa được Facebook kiểm soát chặt chẽ.
Chính sách của Facebook nghiêm cấm hoạt động tội phạm.
Thay vì bỏ theo dõi vĩnh viễn một người hay một nhóm nào đó, Facebook cho phép bạn làm điều này trong 24 giờ, 7 ngày hay 30...