Một quốc gia cấm ChatGPT vì lo ngại về quyền riêng tư
ChatGPT ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1, chỉ hai tháng sau khi ra mắt.
Theo Gadget360, hôm thứ Sáu ngày 31/3, cơ quan bảo vệ dữ liệu Ý cho biết họ đã mở một cuộc điều tra đối với chatbot ChatGPT của OpenAI do nghi ngờ dịch vụ này vi phạm các quy tắc về thu thập dữ liệu đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Cơ quan này cũng cáo buộc ChatGPT đã không xác minh độ tuổi của người dùng, khi ứng dụng này được cho là chỉ dành riêng cho những người từ 13 tuổi trở lên. Hiện cơ quan đã tạm thời hạn chế chatbot trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng Ý.
ChatGPT bị cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý cấm tạm thời.
Phía cơ quan bảo vệ dữ liệu Ý cáo buộc rằng "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào biện minh cho việc thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ nhằm “đào tạo” các thuật toán cơ sở của nền tảng”. OpenAI hiện vẫn chưa đưa ra bình luận cho động thái hạn chế này của Ý.
Kể từ khi được phát hành vào năm ngoái, ChatGPT đã gây ra một cơn sốt công nghệ, khiến nhiều đối thủ phải tung ra các sản phẩm tương tự và các công ty muốn tích hợp nó hoặc các công nghệ tương tự vào các ứng dụng và sản phẩm của họ.
Theo một nghiên cứu của UBS được công bố vào tháng trước, ước tính rằng ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1, chỉ hai tháng sau khi ra mắt, khiến nó trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
Tuần này, cơ quan thực thi pháp luật Europol của Liên minh châu Âu đã cảnh báo về khả năng lạm dụng chatbot trong việc lừa đảo, thông tin sai lệch và tội phạm mạng, làm tăng thêm mối lo ngại từ các vấn đề pháp lý đến đạo đức.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, Tòa án tối cao Punjab Haryana đã trở thành tòa án đầu tiên ở Ấn Độ sử dụng công nghệ ChatGPT để đưa ra quyết định về việc tại ngoại của một bị cáo, theo đó, tòa đã bác bỏ đơn yêu cầu tại ngoại.
Không chỉ làm lộ lịch sử trò chuyện, ChatGPT thậm chí còn làm rò rỉ thông tin thẻ tín dụng của người dùng.
Nguồn: [Link nguồn]