Một hành tinh gần Trái Đất có thể giàu nước và thân thiện với sự sống

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Các nhà khoa học Canada cho rằng mức độ thân thiện với sự sống của hành tinh LHS 1140b có thể còn cao hơn bảy thế giới lừng danh TRAPPIST-1.

Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Charles Cadieux từ Đại học Montreal (Canada) vừa đăng ký với chương trình James Webb để sử dụng siêu kính viễn vọng này nhìn sâu vào hành tinh thú vị mang tên LHS 1140 b.

Nghiên cứu của họ vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters, cho rằng hành tinh này là "thế giới giàu nước và thân thiện với sự sống".

Hành tinh LHS 1140b và ngôi sao mẹ mờ ảo của nó - Ảnh đồ họa: ESO

Hành tinh LHS 1140b và ngôi sao mẹ mờ ảo của nó - Ảnh đồ họa: ESO

LHS 1140b được phát hiện từ năm 2017 quanh một ngôi sao nhỏ, mờ tên LHS 1140 giữa chòm sao Kình Ngư, thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới khoa học.

Với khoảng cách 50 năm ánh sáng, nó là một trong những loại hành tinh gần Trái Đất nhất từng được biết đến và lại lọt thỏm ngay giữa "vùng sự sống" Goldilocks của ngôi sao mẹ.

Vùng Goldilocks là "vùng không gian vàng" trong các hệ sao, nơi mà nếu các hành tinh tồn tại, chúng sẽ có khoảng cách vừa đủ để nhận được nhiệt độ ôn hòa cho sự sống, cũng như để nước có thể tồn tại ở trạng thái lỏng.

Theo Space. com, các phân tích đầu tiên về LHS 1140b từng cho thấy đó có thể là một hành tinh đá cùng loại với Trái Đất nhưng khá cằn cỗi.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ nhóm của TS Cadieux đã chỉ ra mật độ khả dĩ của hành tinh thông qua các dữ liệu quang phổ cho thấy nó không thể chỉ là đá mà rất giàu nước, thậm chí nhiều hơn Trái Đất.

TS Cadieux lập luận rằng chỉ cần chắc chắn được có nước trên một hành tinh thuộc vùng Goldilocks, hoàn toàn có thể tin rằng một phần nước phải nằm ở trạng thái lỏng.

Ở Trái Đất, nước lỏng chính là môi trường mà sự sống ra đời và tiếp tục nuôi dưỡng sự sống đó ngày một tiến hóa.

Ngoài ra, LHS 1140b có thể còn có một bầu khí quyển dày với nhiều nguyên tố nhẹ. Khí quyển dày cũng là yếu tố cần thiết để bảo tồn sự sống trên bề mặt một hành tinh.

Nhóm khoa học gia Canada thậm chí cho rằng LHS 1140b mới là mục tiêu hàng đầu cho cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh hơn cả TRAPPIST-1, một hệ sao với bảy hành tinh, cái nào cũng có một số yếu tố giống Trái Đất.

Nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng 3 hành tinh nằm trong vùng sự sống của TRAPPIST-1 có thể quá cằn cỗi so với hy vọng, không có bầu khí quyển và không có nước bề mặt.

Ngôi sao mẹ TRAPPIST-1 quá hung dữ, tạo ra nhiều ngọn lửa và tàn phá bầu khí quyển của các hành tinh ở gần.

Trong khi đó, ngôi sao LHS-1140 hoạt động kém hơn nhiều TRAPPIST-1 lẫn Mặt Trời, nên hành tinh LHS 1140b vẫn an toàn dù ở gần sao mẹ, với khoảng cách chỉ bằng 1/4 khoảng cách Sao Thủy - Mặt Trời.

Các nhà khoa học vẫn đang trông đợi vào James Webb - kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới mà các cơ quan vũ trụ Mỹ, châu Âu, Canada (NASA/ESA/CSA) đồng điều hành.

James Webb không thể thấy được trực tiếp bất kỳ sinh vật nào đang tồn tại trên hành tinh đó, nhưng đủ mạnh để tiết lộ sâu sắc thành phần hóa học của bầu khí quyển LHS 1140b, từ đó giúp trả lời câu hỏi nó có thực sự ngập đầy sự sống hay không.

Giới thiên văn học vừa quan sát được khung cảnh ngoạn mục của một siêu tân tinh đang “biến hình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN