Minds - Mạng xã hội mới nổi liệu "có cửa" thay thế Facebook?
Minds là mạng xã hội, tương tự như Facebook hay Twitter. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trên mạng xã hội mới nổi này nằm ở việc nó cực kì đề cao tính riêng tư và độ bảo mật cho người dùng.
Minds được doanh nhân Bill Ottman (sinh năm 1985) thành lập từ tháng 2/2011 tại Mỹ. Cùng với anh là các cộng sự John Ottman, Jack Ottman, Mark Harding, Ian Crossland, những người có chung tư tưởng về một giải pháp thay thế cho các mạng xã hội lớn đang đụng chạm đến quyền sử dụng kỹ thuật số thời điểm đó.
Lý do chuyển sang Minds theo một số người là không bị kiểm duyệt, không bị báo cáo như Facebook và hơn hết người dùng vẫn có thể kiếm được tiền từ đây…
Mạng xã hội Minds có các tính năng không khác mấy so với Facebook, như đăng tin, hình ảnh, video, blog, chia sẻ, like, chat…, chỉ có điều chưa đẹp và mượt mà như Facebook và vẫn còn "hoang vắng" vì mới có hơn 1 triệu người dùng. Ngoài ra, có một số tính năng hơi khác một chút, ví dụ trên Minds không cần gửi lời mời kết bạn, nếu thích ai có thể đăng ký theo dõi người đó, không muốn nữa thì nhấn nút bỏ theo dõi.
Mới nổi gần đây nhưng mạng xã hội Minds được kỳ vọng trở thành “đối thủ” của Facebook.
Minds được sáng lập năm 2011, đến năm 2015, mạng xã hội này ra mắt công chúng. Những khác biệt lớn nhất của Minds mà nhiều người cho rằng nó sẽ là đối thủ tiềm tàng của Facebook trong tương lai khi nó được xây dựng bằng công nghệ blockchain.
Theo đó, công nghệ blockchain cho phép Minds chạy trên một mạng phi tập trung, phát triển dựa trên sự đóng góp của người dùng, các nội dung được tạo ra, các tương tác giữa người dùng với nhau... được lưu trên hệ thống mạng ngang hàng tự động của người dùng. Nghĩa là không ai có thể thao túng được Minds.
Đặc tính trên khiến Minds được nhiều người ưa thích trong bối cảnh họ bắt đầu cảm thấy ngột ngạt với Facebook, mới đầu là một trò vui nhưng đang dần kiểm soát đời sống của họ. Bê bối Facebook với Cambridge Analytica gần đây cho người dùng thấy họ bị can thiệp, theo dõi và lợi dụng.
Ưu việt thứ hai của Minds là “kiếm tiền”. Nếu như Facebook lấy thông tin của nội dung người dùng tạo ra để bán cho bên thứ ba lấy tiền, không chi trả đồng nào cho người dùng thì Minds trả tiền cho người dùng. Lượng like, chia sẻ, bình luận... với một nội dung người dùng tạo ra đều được quy đổi ra điểm thưởng. Điểm này tích lũy dần để người dùng có thể dùng để tự quảng bá nội dung của mình, tặng cho người khác hoặc quy đổi thành các đồng tiền điện tử tương tự như Bitcoin.
“Giúp người dùng kiếm tiền online là trọng tâm của chúng tôi”, người sáng lập Bill Ottman nhấn mạnh trên trang Wired.com. Minds không phải mạng xã hội đầu tiên trả tiền cho người dùng thông qua các hoạt động của họ. Mạng Steemit cũng có mô hình hoạt động tương tự như Minds.
Tuy nhiên, điều nhiều người lo ngại về Minds là tiêu chuẩn đạo đức khá lỏng lẻo của mạng xã hội này, không có điều khoản ngăn chặn người dùng đưa ra các “phát ngôn thù hận” (hate speech). Trong khi Facebook và các mạng xã hội thuộc dòng chủ lưu khác kiểm soát chặt chẽ điều này, sẵn sàng gỡ những nội dung và đóng cửa những tài khoản vi phạm.
Tuy được chào mời với đầy tính năng ưu việt, nhiều người trong giới công nghệ vẫn đặt nghi ngờ với Minds. Theo một chuyên gia về công nghệ, tính an toàn và pháp lý của mạng xã hội này vẫn chưa rõ ràng.
Cụ thể, nếu có vấn đề trên Facebook, người dùng vẫn có thể khiếu nại và yêu cầu đội ngũ quản lý giải quyết. Nhưng với Minds, ai là người đứng ra tiếp nhận và xử lý vẫn chưa rõ ràng. Thực tế, Minds vẫn chưa có các khái niệm về nghĩa vụ pháp lý như Facebook.
Những cổ đông lớn của công ty muốn loại bỏ nhà sáng lập Mark Zuckerberg ra khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị...