Máy tính ở Việt Nam nhiễm virus sau 4 phút kết nối Internet

Microsoft PC Test Purchase Sweep đã kiểm tra tổng cộng 166 máy tính tại Việt Nam, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan... kết quả cho thấy có đến 83% máy tính ở châu Á bị nhiễm mã độc vì sử dụng phần mềm lậu.

Mary Jo Schrade, Giám đốc bộ phận an ninh mạng khu vực châu Á cho biết tội phạm không ngừng phát triển kỹ thuật để né tránh các biện pháp an ninh và nhúng mã độc vào phần mềm lậu. Đây là một trong những cách đơn giản nhất để có thể xâm nhập vào máy tính cá nhân (PC) của người dùng và đánh cắp dữ liệu.  

Máy tính ở Việt Nam nhiễm virus sau 4 phút kết nối Internet - 1

Trước đó tại buổi tọa đàm Nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại theo chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav cho biết máy tính ở Việt Nam nhiễm virus chỉ sau 4 phút kết nối mạng. 

Cụ thể, tỉ lệ máy tính nhiễm virus ở Việt Nam luôn ở mức cao và thuộc tốp đầu thế giới. Thống kê của Bkav cho thấy thiệt hại do virus máy tính gây ra ngày càng tăng theo từng năm, từ 8.500 tỷ đồng vào năm 2014 lên 8.700 tỷ đồng (năm 2015), 10.400 tỷ đồng (năm 2016) và năm ngoái là 12.300 tỷ đồng. Hiện có rất nhiều loại virus máy tính đang hoành hành tại Việt Nam, phổ biến nhất là mã độc lây lan qua USB, mã độc đào tiền ảo, virus mã hóa dữ liệu, phần mềm gián điệp và mã độc tấn công APT.

Mỗi năm trung bình có khoảng 80% các USB đang sử dụng ở Việt Nam bị nhiễm virus. Mới đây nhất là virus xóa dữ liệu trên USB (W32.XFileUSB) đã lây nhiễm trên 1,2 triệu máy tính ở Việt Nam.

Các rủi ro của việc sử dụng phần mềm lậu

Thực tế cho thấy đa số các cửa hàng bán lẻ đều vô hiệu hóa các phần mềm bảo mật như Windows Defender để cài đặt phần mềm lậu. Tuy nhiên, điều này khiến PC dễ bị tấn công bởi mã độc và các mối đe dọa trực tuyến.

Microsoft còn phát hiện ra rằng có đến 83% các máy tính mới được cài sẵn phần mềm lậu và bị dính nhiều loại mã độc phổ biến. Trojans là một trong số đó, chúng được sử dụng để cho phép tội phạm mạng truy cập từ xa và kiểm soát thiết bị, theo dõi người dùng và lấy cắp dữ liệu cá nhân.

Tương tự, Virus là một loại phần mềm độc hại và thường khiến chủ sở hữu thiết bị phải đau đầu khi kết nối với máy chủ từ xa để về các phần mềm độc hại bổ sung, hiển thị quảng cáo liên tục trên màn hình...

Những người sử dụng phần mềm lậu rất dễ bị mất dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân, mật khẩu ngân hàng, danh tính, Facebook, email... hiệu suất thiết bị giảm sút do phần mềm độc hại chạy ngầm. 

Phó giáo sư Biplab Sikdar, Khoa Kỹ thuật Điện & Máy tính, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu tìm hiểu về những mối nguy hiểm khi tải xuống và sử dụng phần mềm lậu cho biết phần mềm lậu được nhiều người sử dụng vì chúng rẻ hoặc đôi khi được cung cấp hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên đi kèm theo đó là những rủi ro liên quan đến việc mất dữ liệu tương đối cao.

"Người dùng cần phải thận trọng hơn khi mua máy tính mới, đặc biệt là những nơi bán máy rẻ. Khoản tiền tiết kiệm được không đáng kể so với sự mất mát dữ liệu cá nhân", Phó giáo sư Sikdar chia sẻ. Tương tự, Mary Jo cũng cho rằng việc sử dụng phần mềm chính hãng là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại tội phạm mạng.

Để phòng ngừa nguy cơ mã độc tấn công, chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng nên sao lưu dữ liệu thường xuyên, cập nhật bản vá cho hệ điều hành, đồng thời chỉ mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run. Người dùng cũng cần cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động.

Để bảo vệ bản thân, người dùng nên mua máy tính từ các nhà bán lẻ có tên tuổi, tất nhiên không nên mua máy đã được cài sẵn các phần mềm lậu. Đồng thời tham khảo trang web của nhà cung cấp phần mềm để tìm hiểu cách phân biệt giữa phần mềm chính hãng và phần mềm lậu. Dưới đây là một số lời khuyên để hạn chế bị dính mã độc:

- Thường xuyên cập nhật hệ thống và dữ liệu của những phần mềm chống virus lên phiên bản mới nhất.

- Không truy cập các trang web có nguy hiểm tiềm ẩn, ví dụ như các trang chứa nội dung người lớn, chia sẻ phần mềm lậu, chia sẻ dữ liệu...

- Tránh sử dụng phần mềm đã cũ (không được nhà sản xuất hỗ trợ để cập nhật và vá lỗi bảo mật).

Máy tính mới mua cũng có thể nhiễm độc, làm cách nào để phòng tránh?

84% các máy tính có cài sẵn phần mềm lậu nhiễm mã độc, phổ biến nhất là trojan và virus.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Minh ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN