Máy tính không chỉ là công cụ, mà sẽ là đồng nghiệp của con người
Công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, một số ngành đang từng bước đưa công nghệ, AI vào hoạt động quản lý cũng như kinh doanh.
Chiều 13/11, Hội thảo “Khoa học dữ liệu, học máy, và trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV 2021 với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trẻ trong nước và nước ngoài nhằm thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, khả năng đóng góp trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực cũng như toàn cầu.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học
AI sẽ là đồng nghiệp của con người trong tương lai
Theo các nhà khoa học, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể xử lí dữ liệu nhanh hơn, khoa học hơn, hệ thống hơn với quy mô rộng hơn so với con người.
Thực tế đã chứng minh, nhiều tập đoàn công nghệ hiện nay đang có kế hoạch phát triển những trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết các vấn đề mà con người hiện tại chưa có phương án giải quyết. Phát triển và quản lí các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đúng cách chính là cách thúc đẩy nhân loại phát triển, định hình một thế giới mới.
Phát biểu về điều này, TS. Lê Khánh Duy, công tác tại ABB Cooperate Research Thuỵ Điển, đồng thời tư vấn cao cấp mảng khoa học công nghệ cho Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng rằng AI sẽ hợp tác và cùng làm việc với con người”.
TS. Lê Khánh Duy, ABB Cooperate Research Thuỵ Điển, chuyên gia tư vấn cao cấp của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Ông cho rằng, mối quan hệ giữa con người và máy tính hiện nay thì mọi thứ vẫn phụ thuộc vào con người. Tuy nhiên, trong tương lai, con người sẽ không sử dụng máy tính như một công cụ nữa mà thay vào đó máy tính sẽ trở thành một người bạn đồng hành, đồng nghiệp giúp con người trong mọi hoạt động của cuộc sống.
Hiện nay, trong công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhất là với sự tác động của Covid-19, ta có thể thấy một số ngành đã đang dần từng bước đưa công nghệ, AI vào hoạt động quản lý cũng như kinh doanh của mình như ngân hàng, y tế, vận tải,... những vẫn ở mức mới bắt đầu và cơ bản nhất. Do đó, con người vẫn đang là nhân tố chính.
Mặt khác, khi nói rằng con người nói chuyện, làm việc với máy tính, làm sao để biết máy tính đang lắng nghe chúng ta?
Ông lấy ví dụ về những phần mềm trợ lý ảo của Google và Apple, ta có thể nhận biết điều này thông qua cột sóng âm thanh thay đổi, hiển thị trên màn hình, cột sóng hoạt động theo cơ chế mô tả lại cường độ, biên độ của âm thanh giọng nói của con người, khi cột sóng thay đổi cũng thể hiện rằng máy móc/ trợ lý ảo đang lắng nghe âm thanh của con người.
Nhưng các nhà khoa học còn đặt nhiều kỳ vọng hơn thế, những trợ lý này còn được hướng tới không chỉ sử dụng bằng âm thanh như vậy mà là những chú robot. Sẽ được cài đặt rất nhiều yếu tố để khiến cho robot có thể phản ứng, tương tác với con người thông qua ánh mắt, biểu cảm, hành vi một cách tự nhiên.
Ông tin rằng, với tốc độ chuyển đổi số và sáng chế khoa học như hiện nay, ta có thể thấy sự thay đổi về mối quan hệ trong nhiều năm tới, từ con người điều khiển máy tính tới con người phải hợp tác với máy tính để hoàn thành công việc.
Điều này dẫn đến sự phát triển về thiết kế, cách dùng, giao diện để phù hợp tới sự thay đổi về mối quan hệ, cho tới cả trách nhiệm.
San sẻ trách nhiệm công việc sao cho đúng giữa con người và AI?
Cũng theo ông Duy, con người sẽ không sử dụng máy tính như một công cụ nữa mà thay vào đó máy tính sẽ trở thành một người bạn đồng hành, đồng nghiệp của con người và điều đó sẽ dẫn tới một vài hệ quả: con người sẽ ngày càng phụ thuộc vào máy tính, khi có bất kỳ điều gì xảy ra sẽ có sự chia sẻ trách nhiệm của con người với máy tính.
Cụ thể như trong trường hợp xe tự lái - sản phẩm nổi bật của AI, nếu gây tai nạn thì người sử dụng hay công ty sản xuất phải chịu trách nhiệm? Về điều này, TS. Nguyễn Đăng Mạnh, chuyên gia phần mềm tại Thung lũng Silicon, Mỹ nhận định: “ Điều này còn phải xét trên nhiều phương diện và có quy định rõ ràng trong tương lai hơn nữa”.
Ông nói thêm, ví dụ, nếu xe tự lái là dịch vụ taxi, thì công ty taxi phải đứng ra chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu xe tự lái bán cho cá nhân người dùng, thì vấn đề sẽ phức tạp hơn, cần xem xét kỹ đó là lỗi của người dùng hay lỗi của nhà sản xuất. Lỗi người dùng có thể là không đảm bảo quy trình bảo quản xe về các vấn đề camera bị bẩn, bị lấp…
TS. Nguyễn Đăng Mạnh tin rằng: “Xe tự lái về mặt lâu dài, có thể còn an toàn hơn người lái”.
Tuy nhiên, ông cũng tin rằng: “Xe tự lái về mặt lâu dài, tôi tin tưởng rằng có thể còn an toàn hơn người lái”.
Bởi xe tự lái có thuận lợi được tính chính xác đến từng li từng tí, nói đơn giản về những tay lái trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, khi lái thực tế sẽ khá liều và dễ dàng có những va chạm không đáng có. Hơn nữa, tự lái sẽ có thể tính rất kỹ bằng các thuật toán và có khả năng cao giúp hạn chế những điều này cho người dùng.
Mặt khác được các nhà khoa học tin tưởng, xe tự lái sẽ đi đúng luật hơn, từ đó va chạm cũng sẽ được kiểm soát. Ví dụ về mặt tốc độ, không bao giờ vượt quá tốc độ cho phép. Không chỉ vậy, trong tương lai xe tự lái còn có thể tự động liên lạc với nhau, qua đó tránh tình trạng tắc đường bởi các xe đã cảnh báo trước cho nhau và có khả năng di chuyển, xếp xe khoa học thay vì như trước đây, chỗ thì quá tắc, chỗ thì không có xe nào di chuyển.
Mạng lưới này được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào top 4 ASEAN và top 50 nước hàng đầu thế giới...
Nguồn: [Link nguồn]