Mặt Trời đạt đỉnh cuồng nộ: 4 điều địa cầu đối diện

Sự kiện: Khám phá vũ trụ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bạn có thể không cảm nhận đỉnh cao của chu kỳ Mặt Trời trực tiếp, nhưng có thể nhận thấy tác động ở các thiết bị xung quanh.

Hiện tượng "ánh sáng phương Bắc" - tức cực quang - xuất hiện cả ở phía Nam và ở các vĩ độ khá thấp gần đây, kết hợp với các cơn bão địa từ dữ dội gây gián đoạn sóng vô tuyến, khiến các nhà khoa học càng chắc chắn chu kỳ Mặt Trời sắp đạt đỉnh.

Trước đó, "đỉnh" vốn được dự báo rơi vào năm 2025, nhưng ngày càng có dấu hiệu cho thấy điều đó có thể xảy ra bất cứ khi nào trong năm nay.

Viết trên The Conversation, nhà vật lý Ian Whittaker từ Đại học Nottingham Trent (Anh) chỉ ra 4 nhóm tác động mà nhân loại sẽ phải đối diện khi điều đó xảy ra.

Cực quang do bão địa từ (bão Mặt Trời) bừng sáng trên một vùng rộng lớn, theo góc chụp từ Trạm Vũ trụ quốc tế ISS - Ảnh: NASA

Cực quang do bão địa từ (bão Mặt Trời) bừng sáng trên một vùng rộng lớn, theo góc chụp từ Trạm Vũ trụ quốc tế ISS - Ảnh: NASA

1. Hệ thống điện

Vào giai đoạn đỉnh cao, Mặt Trời có thể tạo ra các cú phóng năng lượng dạng pháo sáng, thậm chí một quả cầu plasma khổng lồ gọi là "vụ phóng khối lượng đăng quang" (CME), đập thẳng vào từ quyển Trái Đất và gây bão địa từ.

Bão địa từ vốn là sự nhiễu loạn của từ trường, có thể tạo ra dòng điện trong bất cứ thứ gì dẫn điện. Đối với cơ sở hạ tầng hiện đại, dòng điện lớn nhất được tạo ra trên đường dây điện, đường ray xe lửa và đường ống ngầm.

Đường dây điện có nguy cơ cao nhất. Điều này đã được chú ý kể từ cơn bão địa từ năm 1989 làm tan chảy một máy biến áp điện ở Quebec, Canada - gây ra tình trạng mất điện nhiều giờ.

Ngày nay, các biện pháp bảo vệ đã được tích hợp trong các nhà máy điện trên khắp thế giới, làm giảm mạnh lo ngại.

Lâu hơn, năm 1859, cơn bão địa từ siêu mạnh gọi là Sự kiện Carrington từng hủy hoại hệ thống điện báo ở nhiều nơi khắp Bắc Mỹ và châu Âu, thậm chí một số nhân viên điện báo bị điện giật. Nhưng ngày nay, nhân loại không dùng điện báo nữa.

2. Vệ tinh

Trong khi các dòng điện trên mặt đất là một vấn đề thì chúng thậm chí còn là một thách thức lớn hơn trong không gian. Một dòng điện đột biến có thể phá hủy các thiết bị và thông tin liên lạc.

Khi một vệ tinh mất liên lạc theo cách này, nó được gọi là vệ tinh zombie và thường bị mất hoàn toàn, gây tổn thất lớn.

Hồi năm 2022, công ty vũ trụ tư nhân SpaceX của Mỹ từng vô tình phóng 49 vệ tinh Starlink ngay lúc một cơn bão địa từ ập đến, khiến 40 cái rơi ngược vào bầu khí quyển địa cầu, cháy tan tành.

3. Định vị

Vệ tinh bị ảnh hưởng đồng nghĩa với hệ thống định vị GPS sẽ bị tác động theo. Do vậy, việc dự báo thời tiết không gian rất quan trọng trong ngành hàng không - vũ trụ.

4. Internet - vô tuyến

Những thay đổi tương tự cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ băng thông của internet vệ tinh và vành đai bức xạ của hành tinh - một vòng xuyến gồm các hạt tích điện có năng lượng cao, chủ yếu là các electron, cách bề mặt khoảng 13.000 km.

Ngoài ra, sóng vô tuyến ở một số vùng cũng bị gián đoạn thời gian ngắn trong các cơn bão địa từ mạnh mẽ gần đây.

Cực quang xuất hiện trên bầu trời bang Alaska - Mỹ - Ảnh: NASA

Cực quang xuất hiện trên bầu trời bang Alaska - Mỹ - Ảnh: NASA

Tuy vậy, bạn có thể yên tâm là ngày nay, con người đã có nhiều cách để giảm tác động từ các cú bắn phá của Mặt Trời mỗi khi nó đạt đỉnh cao của chu kỳ, bao gồm việc dự báo thời tiết không gian ngày một chuẩn xác.

Có thể nói, gần như mỗi người có thể yên tâm thưởng thức cực quang - trực tiếp hoặc trực tuyến - trở nên vô cùng ảo diệu trong vài tháng tới, chỉ là đôi khi gặp một số phiền toái như vài sự kiện nhiễu sóng viễn thông ngắn.

"Là một sự kiện tự nhiên, cực quang là một điều kỳ diệu. Nhưng điều tuyệt vời hơn nữa là với mỗi cơn bão địa từ mạnh, chúng tôi lại thực hiện những cải tiến giúp bảo vệ khỏi những thiệt hại tiềm tàng từ các sự kiện trong tương lai" - TS Whittaker viết.

Nguồn: [Link nguồn]

Trái Đất đang trú ngụ ở rìa một con quái vật nuốt thiên hà có lịch sử đáng sợ hơn tưởng tượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN