Mất tiền vì tham hàng rẻ trên Facebook
Vẫn sử dụng các chiêu trò cũ đánh vào lòng tham, không ít người đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.
Cần lựa chọn, đánh giá thông tin kỹ càng trước khi chia sẻ. Ảnh: MINH HOÀNG
Không giống như 10 năm về trước, cái thời mà công nghệ lạc hậu và tốc độ Internet tại Việt Nam còn chậm chạp. Giờ đây, chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối mạng (WiFi hoặc 3/4G), người dùng sẽ tiếp cận được cả “rừng” thông tin với đủ thể loại, do đó nếu không biết cách chọn lựa, bạn sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo.
Dạo gần đây có khá nhiều người chia sẻ bài viết tặng 5.000 tai nghe Beats Solo Wireless 3 miễn phí (chỉ cần thanh toán tiền vận chuyển). Để nhận được quà, bạn phải chuyển vào tài khoản ngân hàng của kẻ gian 30.000 - 90.000 đồng, sau đó hệ thống sẽ xác nhận lại và gửi hàng.
Các bài viết lừa đảo được chia sẻ và chạy quảng cáo trên Facebook. Ảnh: MINH HOÀNG
Không khó để nhận ra đây chỉ là một trang web lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dùng, bởi lẽ cửa hàng không hề có địa chỉ, fanpage và trang web cũng được đặt gần giống trang "chính chủ" để dụ dỗ người dùng (trang thật beats.vn, trang lừa đảo beatsvn.com). Thực chất giá thị trường của sản phẩm này lên đến 5,29 triệu đồng nên sẽ không có chuyện tặng 5.000 tai nghe Beats miễn phí.
Theo ghi nhận, các bài viết chia sẻ tặng tai nghe Beats Solo Wireless 3 có hơn 10.000 lượt like và chia sẻ, nhiều người đã chuyển tiền nhưng không hề nhận được tai nghe. Chỉ cần một phép tính đơn giản, nếu một người chuyển 30.000 - 90.000 đồng thì con số thu được là rất lớn. Hiện tại, kẻ gian đã xóa bỏ fanpage Beatsvn - Wireless Audio Việt Nam trên Facebook, trang web beatsvn.com cũng bị xóa bỏ.
Sau khi lừa được nhiều người, kẻ gian đã xóa bỏ trang web và fanpage. Ảnh: MINH HOÀNG
Ngoài ra, kẻ gian còn sử dụng các tài khoản Facebook bị hack và gửi tin nhắn đến người dùng với nội dung trúng thưởng xe SH150i hoặc nạp thẻ cào nhân 10. Để nhận được xe SH150i, bạn phải truy cập vào trang web giả mạo do kẻ gian chỉ định, sau đó đăng nhập bằng tài khoản Facebook. Nếu làm theo, tài khoản của bạn sẽ ngay lập tức bị chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích xấu hoặc bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, nhà đất, bán SIM...
Nhìn chung, đây không phải là lần đầu tiên những trò lừa đảo này xuất hiện trên Facebook, tuy nhiên, vẫn có không ít người dùng cả tin và tham rẻ nên đã bị mất tiền và tài khoản. Việc này có thể dẫn đến những hệ lụy rất nguy hiểm bởi lẽ kẻ gian có thể dùng nó để đi lừa bạn bè, người thân của bạn...
Lừa đảo trúng thưởng xe, điện thoại... vẫn xuất hiện nhan nhản trên Facebook. Ảnh: MINH HOÀNG
Để đảm bảo an toàn cho tài khoản cá nhân, bạn nên kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp trên Facebook bằng cách vào Settings (cài đặt) > Security and Login (bảo mật và đăng nhập) > Use two-factor authentication (sử dụng xác thực 2 yếu tố) > Edit (chỉnh sửa). Tại đây, bạn sẽ có bốn lựa chọn để bảo mật tài khoản, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chúng ta chỉ đề cập đến Text Message (tin nhắn văn bản) và Authentication App (ứng dụng xác thực).
Kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp trên Facebook. Ảnh: MINH HOÀNG
Cụ thể, đối với mục Text Message (tin nhắn văn bản), bạn cần nhập vào số điện thoại cá nhân để nhận mã xác thực qua tin nhắn. Ngược lại, đối với mục Authentication App (ứng dụng xác thực), trước hết bạn cần cài đặt ứng dụng Google Authenticator hoặc Authy (khuyến cáo)... trên điện thoại, sau đó quay ngược lại mục Authentication App (ứng dụng xác thực) và nhấn Add a new app (thêm ứng dụng mới), mở ứng dụng Authy và quét QR Code trên màn hình.
Sử dụng điện thoại hoặc các ứng dụng xác thực để nhận mã. Ảnh: MINH HOÀNG
Lúc này, tài khoản Facebook sẽ được thêm vào Authy, mỗi khi đăng nhập, bạn chỉ cần mở ứng dụng Authy để lấy mã xác thực thay vì nhận mã qua tin nhắn như cách trên.
Nếu đang sử dụng máy tính, bạn hãy cài đặt tiện ích J2TEAM Security tại địa chỉ http://bit.ly/j2team-1, tương thích với Google Chrome, Cốc Cốc, Yandex, Opera… hoặc các trình duyệt sử dụng mã nguồn mở Chromium.
Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần nhấp vào biểu tượng của tiện ích ở góc trên bên phải, đánh dấu chọn vào các mục Real-time protection (bảo vệ theo thời gian thực), Use online database (sử dụng dữ liệu trực tuyến), Anti-Clickjacking (chặn các nút Like ẩn trên trang web bất kỳ), Block Cryptocurrency mining script (chặn mã độc đào tiền ảo) và Block Self-XSS on Facebook.
Kể từ lúc này, mỗi khi truy cập nhầm vào các trang web độc hại hoặc giả mạo giao diện Facebook, J2TEAM Security sẽ tự động hiển thị cảnh báo và yêu cầu người dùng quay trở lại. Để tránh bị mất tiền và tài khoản Facebook, người dùng phải tự đánh giá mọi thông tin, tránh ham rẻ và chuyển tiền cho kẻ gian. Đồng thời không chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng được sự thật. Nếu phát hiện các trang web, fanpage giả mạo, bạn nên report (báo cáo) cho Facebook để họ xử lý kịp thời.
TPBank vừa phát đi cảnh báo liên quan lừa đảo các giao dịch ngân hàng và cách khắc phục.