Mark Zuckerberg “ngây thơ" hay chỉ là thờ ơ với hệ lụy nguy hiểm của mạng xã hội?
Liệu ông hoàng của những đế chế mạng xã hội như Facebook hay Twitter có thực sự "vô tư" và tin vào một thế giới chỉ toàn niềm hân hoan, đầy ắp tình thương? Hay các CEO chỉ đơn giản đã được huấn luyện để bàng quan với tất cả những hệ lụy nguy hiểm của mạng xã hội đáng ra không nên tồn tại trên nền tảng của mình?
Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp những cụm từ đại loại như “ngờ nghệch” hay “nai tơ” dành tặng những nhà lãnh đạo quyền lực và giàu có nhất thế giới. CEO Facebook Mark Zuckerberg sau thời kỳ đen tối của Facebook với thảm họa rò rỉ Cambridge Analytica đã không dưới một lần chứng kiến tên mình xuất hiện trên mặt báo đặt cạnh chữ “khờ khạo”. Trong khi đó CEO Twitter Jack Dorsey đã thừa nhận cần phải xem xét lại nhiều khía cạnh cốt lõi của nền tảng ông đứng đầu.
Song, liệu có thể nào tin được rằng những bộ óc thiên tài như Zuckerberg và Dorsey - vốn là cha đẻ của những nền tảng mạng xã hội khổng lồ đã thu hút hàng triệu người dùng toàn cầu - thực sự ngây ngô như báo đài vẫn miêu tả? Không, họ chính xác hơn là vô cảm. Họ không quan tâm tới người dùng cũng như cách mà nền tảng của mình đang từng ngày hủy hoại xã hội, và bởi vậy nên họ cũng không cần phải đếm xỉa đến hệ lụy cũng như quy mô ngày càng lan rộng của những mặt trái trên mạng xã hội. Nói cách khác, họ đã được đào tạo để bàng quan, thờ ơ với tất cả mọi thứ không liên quan đến doanh thu của mình.
Liệu những CEO hàng đầu Mark Zuckerberg hay Jack Dorsey có thực sự "ngây thơ" ? (CEO Twitter Jack Dorsey)
Lượt tiếp cận và lượng người dùng là hai mục tiêu quan trọng nhất, những thứ còn lại có hay không không quan trọng
Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ các CEO này luôn đưa ra được quyết định hợp lý và logic trong mọi tình huống. Hoạt động dưới nền chủ nghĩa tư bản - vốn liên tục đòi hỏi về tăng trưởng và mở rộng kinh doanh, đồng thời đặc biệt quan tâm đến các con số hơn bất cứ điều gì - những người khổng lồ mạng xã hội và các nhà lãnh đạo được tưởng thưởng trực tiếp khi tập trung vào lượt tiếp cận và tương tác thay vì tạo ra tác động tích cực tới cộng đồng hay bảo vệ người dùng khi lên mạng. Họ được xem là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi duy trì chi phí vận hành thấp nhất có thể, tạo ra môi trường miễn phí hướng đến cái gọi là “tự do ngôn luận”, không phải khi tìm cách ngăn chặn những hành vi bạo hành số hay lời lẽ thô tục, đả kích tràn lan khắp nền tảng. Lượt tiếp cận và lượng người dùng là những gì quan trọng nhất, bởi vậy nên Facebook hay Twitter không cần quản lý nền tảng của mình, và Mark Zuckerberg hay Jack Dorsey cũng không nhất thiết phải vắt óc nghĩ ra chính sách hay rào cản mới, từ đó tránh được những chi phí phát sinh về người và của “không đáng có”.
Song cách mà các nhà đầu tư, công ty công nghệ hay thậm chí nhiều người dùng đặt lượng tiếp cận lên hàng đầu đã đẻ ra nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm chúng ta được chứng kiến vài năm trở lại đây. Như đã nói, các CEO và nhà đầu tư mạo hiểm thường không quá quan tâm tới liệu tương tác được tạo ra trên nền tảng mạng xã hội của mình xảy ra theo hướng tiêu cực hay tích cực, họ chỉ nhìn vào các thống kê và dữ liệu tổng quan về lượng truy cập, lượt xem, like hay share. Bên cạnh đó, rất nhiều người dùng cũng sẵn sàng dùng mọi cách để có được thêm nhiều lượt tiếp cận tới tài khoản hơn, dù cho đó là đăng tải ảnh “sexy” của bản thân hay vẽ lên một câu chuyện giả thu hút người xem hoàn toàn không có thật từ những bức ảnh cóp nhặt trên mạng. Sau cùng, tương tác là tương tác, bất kể tích cực hay tiêu cực, và đối với những đối tượng trục lợi từ lượt tiếp cận nêu trên, tương tác đồng nghĩa với tiền chảy về túi.
CEO Facebook Mark Zuckerberg
Quay trở lại những ngày đầu tiên của mạng xã hội, khó có thể lý giải được mục đích tồn tại thực sự của những nền tảng này là gì và liệu chúng sẽ phát triển như thế nào. Tuy nhiên đến một thời điểm nhất định, mọi thứ đã trở nên rõ như ban ngày rằng mạng xã hội là công cụ kiếm tiền siêu đẳng của những bộ não “thừa chất xám”. Đồng tiền là nhân tố duy nhất những Facebook hay Twitter tồn tại, và càng nhiều “anh hùng bàn phím” giận dữ bình luận, càng nhiều lượt chia sẻ một video viral hay càng nhiều câu chuyện giả được thêu dệt nên hòng “câu view” đồng nghĩa với càng nhiều tiền. Những “ông lớn” công nghệ không mấy quan tâm tới việc tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng - điều mà chí ít cũng yêu cầu một môi trường an toàn về thể chất và tâm lý. Từng người trong số họ biết chính xác tương lai ngày hôm nay của mạng xã hội.
Mark Zuckerberg không hề ngây thơ trước hậu quả khôn lường của Facebook, CEO Twitter Jack Dorsey thừa hiểu cần phải hành động với trang Infowars xuyên tạc thông tin trên nền tảng của mình. Nhưng những vị thuyền trưởng cũng như toàn bộ thành viên hội đồng quản trị và các nhà đầu tư đứng đằng sau chủ động bỏ ngoài tai mọi chi tiết bên lề, bởi những khối óc “đầy sỏi” ấy được thuê về để xử lý các thống kê, số liệu và hoàn thành sứ mệnh tối thượng là làm ra thật nhiều tiền, an nguy của người dùng chưa bao giờ là mối bận tâm dù nhỏ nhất.
Con dao hai lưỡi
Đặt giả thiết trong trường hợp xấu nhất, người dùng tự sát vì trầm cảm hoặc một cách nào đó thiệt mạng bởi bạo hành trực tuyến hoặc thông tin giả mạo trên mạng xã hội, ngay cả khi những góc khuất trên mạng xã hội không chừa bất cứ nền tảng nào, bản thân mạng xã hội đó vẫn sẽ hứng chịu nhiều hậu quả. Đầu tiên có thể là tố tụng dân sự hoặc hình sự, từ đó dẫn đến nhiều nhà quảng cáo rút lui và chứng kiện lợi nhuận sụt giảm.
Sau cùng, lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu (và có thể là duy nhất) của mọi CEO mạng xã hội.
Một ví dụ có thật có thể kể đến Reddit, sau khi cho phép truy cập các đường link dẫn tới ảnh nude bị leak của người nổi tiếng, trang mạng xã hội đã lập tức bùng nổ về số lượt truy cập. Mọi người đổ xô về đây để tìm những tấm hình lõa lồ của các ngôi sao và để lại hàng tràng bình luận không mấy có văn hóa. Những cuộc hội thoại về các chủ đề lành mạnh khác gần như không còn tồn tại trên Reddit, thay vào đó là nhu cầu xem ảnh "nuy" gần như choán lấy toàn bộ trang web. Quả thật lượt tiếp cận đã tăng một cách đáng kể, tuy nhiên cái giá phải trả quá đắt - Reddit gần như đã trở thành một trang web khiêu dâm.
Mãi cho đến khi các nhà lãnh đạo mạng xã hội quyết định gỡ bỏ nhiều tấm hình và video độc hại chưa được sự cho phép của chủ nhân, thật bất ngờ, không hậu quả nào ập đến. Reddit vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, các subreddit lớn quay trở lại hoạt động và tiếp tục nườm nượp người dùng đăng nhập và bàn luận về những chủ đề yêu thích. Một vài tháng sau đó, các nhà chức trách tiếp tục cấm thêm 5 subreddit độc hại nữa và ngay lập tức nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục mạnh tay gỡ bỏ những nhóm bàn luận được lập ra thay thế sau đó, cuối cùng chúng sẽ hoàn toàn chấm dứt. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu liên tục cấm các nội dụng bị báo xấu, theo thời gian hành vi người dùng cũng như nội dung xấu sẽ vơi dần rồi biến mất hoàn toàn mà không làm giảm chất lượng trang web.
2018 đã lần đầu tiên chứng kiến nhiều “ông lớn” công nghệ có động thái tích cực nhắm đến bảo vệ sức khỏe người dùng, điển hình là Facebook, Instagram và YouTube với chế độ theo dõi giờ truy cập app, bên cạnh đó Apple và Google cũng vào cuộc với nhiều tính năng tương tự tích hợp sâu vào hệ điều hành di động của mình.
Apple cũng đã vào cuộc và cung cấp trên iOS 12 nhiều tính năng giúp quản lý thời gian sử dụng iPhone của người dùng.
Đã có quá nhiều không kể siết những sự việc đáng tiếc xảy ra dưới nhiều hình thái trên mạng xã hội, từ xích mích trên mạng dẫn tới xô xát đời thật, từ những câu chuyện bịa đặt sử dụng hình ảnh của người khác làm ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của nhiều cá thể và cả công việc kinh doanh của họ. Đã đến lúc các CEO thôi núp dưới tấm bình phong mang tên “ngây thơ” và “tự do ngôn luận” để bào chữa cho công tác quản lý lỏng lẻo của mình, thay vào đó tạo ra những thay đổi tích cực thực sự có ý nghĩa với người dùng. Facebook, Instagram hay Twitter đã có quá nhiều lượt tiếp cận rồi, giờ là lúc biến những tương tác tích cực thành ưu tiên hàng đầu.
Vụ bê bối rò rỉ dữ liệu của Facebook khiến Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ không làm tài sản của...