Mạng 5G và tương lai của thể thao điện tử trên thiết bị di động
Internet 5G sẽ là công nghệ nâng tầm trải nghiệm eSport trong tương lai, khi các giải đấu chuyên nghiệp có thể thay thế hoàn toàn mạng thông thường bằng 5G.
Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ mạng 5G với ba nhà mạng lớn, gồm VNPT, Viettel và MobiFone đã chính thức công bố thử nghiệm vào tháng 12/2020. 5G với tốc độ cao và độ trễ thấp vượt trội gấp nhiều lần mạng 4G, sẽ là cú hích tạo tiền đề để nâng cao trải nghiệm eSport đối với cả người chơi và người xem.
Smartphone trỗi dậy trở thành thiết bị tiếp cận eSports phổ biến nhất
Hiện nay, các bộ môn eSport trên nền tảng di động đang ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Điển hình, Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến hay PUBG Mobile và Free Fire là những cái tên nổi bật luôn lọt top bảng xếp hạng các trò chơi. Tại Đông Nam Á, tổng giải thưởng của các giải đấu eSport trên di động cũng chứng kiến mức tăng trưởng 244% chỉ trong một năm, từ 2018 đến 2019.
Trong đó, Việt Nam là quốc gia có số lượng giải đấu eSport trên di động nhiều thứ hai trong khu vực, chỉ xếp sau Indonesia (theo Google & Niko, 2020). Khảo sát thực hiện cũng chỉ ra 58,3% người chơi eSport tại Việt Nam sử dụng điện thoại di động để chơi. Trong khi đó, đối với hoạt động xem livestream, tỉ lệ xem trên smartphone còn cao vượt trội với 70,7%.
Những lợi ích mà 5G đem đến cho ngành công nghiệp eSport
Các trò chơi eSport luôn yêu cầu tốc độ xử lý nhanh từ người chơi, vì vậy cũng đòi hỏi các đặc tính kỹ thuật đặc biệt đối với đường truyền. Nếu như trước đây, mạng 3G/4G vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định khi sử dụng trong thi đấu chuyên nghiệp như tốc độ đường truyền, độ trễ cao hơn,... thì mạng 5G với tốc độ vượt trội cùng độ trễ thấp sẽ giảm thiểu triệt để những bất cập này.
Sự xuất hiện của mạng 5G chắc chắn sẽ là tương lai của thể thao điện tử khi gần như khắc phục hoàn toàn các lỗi về kết nối cũng như đem đến khả năng trải nghiệm mượt mà các trò chơi eSports vốn đặt nặng vấn đề về độ trễ của đường truyền.
Các trò chơi eSport trên di động đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Tính - Giám đốc trung tâm VAS (Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel) cho rằng, với tốc độ nhanh gấp 10 lần 4G, các trò chơi sẽ có tốc độ tải và thậm chí là stream được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, đối với eSport, việc độ trễ của 5G được cải thiện là yếu tố tạo ra khác biệt lớn nhất.
“Với đặc tính thi đấu thời gian thực, các pha xử lý trong eSport chịu ảnh hưởng lớn từ độ trễ. 5G với độ trễ thấp sẽ giảm thiểu triệt để độ lag, giúp người chơi có trải nghiệm mượt mà hơn và thậm chí tăng tính công bằng trong thi đấu chuyên nghiệp. Trong tương lai, khi đã phủ sóng 5G khắp các tỉnh thành, Viettel kỳ vọng việc từ những người chơi đơn thuần cho đến các giải eSport đều có thể sử dụng mạng 5G trong thi đấu”, ông Tính chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở đó, các đơn vị tổ chức giải đấu cũng cho rằng Internet 5G sẽ là công nghệ nâng tầm trải nghiệm eSport trong tương lai, khi các giải đấu chuyên nghiệp có thể thay thế hoàn toàn mạng thông thường bằng 5G. Thêm nữa, các luồng phát trực tiếp luôn có lượng người truy cập đồng thời rất cao. Do đó, mạng 5G với mật độ truy cập lớn cũng sẽ đem đến trải nghiệm theo dõi các giải đấu eSport tốt hơn rất nhiều.
* Bài viết tham khảo số liệu từ “Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021” do VIRESA phát hành, phối hợp xây dựng nội dung bởi Appota Esports.
Đại dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội đã khiến eSport được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]