Mạng 4G có đang thực sự tốt? Tại sao phải lên 5G?

Sự kiện: Mạng 5G
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều người đang đặt câu hỏi về chiến lược của các nhà mạng tại Việt Nam khi triển khai mạng 5G.

Mạng di động 5G đang là câu chuyện được nhắc tới nhiều trên truyền thông, đặc biệt khi nói về tốc độ, độ phủ, gói cước và các dịch vụ đi kèm,... Cùng với đó, việc mạng 4G đang cơ bản đảm bảo được nhu cầu sử dụng cho hầu hết người dùng di động, khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược của các nhà mạng tại Việt Nam khi triển khai mạng 5G.

Hiện nay tại Việt Nam, chỉ mới có nhà mạng Viettel chính thức thương mại hóa mạng 5G. Trong khi hai nhà mạng lớn khác là MobiFone và VinaPhone vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Mạng 5G Viettel đã chính thức được thương mại hóa từ ngày 15/10/2024.

Mạng 5G Viettel đã chính thức được thương mại hóa từ ngày 15/10/2024.

Chia sẻ trong một sự kiện mới đây, bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Quy hoạch mạng lưới của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel dùng câu chuyện 2G lên 4G để nói về tương lai của 5G. Theo bà, muốn tắt 2G thì mục tiêu của Viettel là mạng 4G phải giống như 2G, từ trên miền núi xa xôi cũng phải có 4G. Song song đó 5G đã xuất hiện, là sự bổ sung cho 4G.

"Cái chính của 5G là phục vụ các ứng dụng, dịch vụ thông minh giúp cho quá trình chuyển đổi số kinh tế xã hội - xã hội số, đó mới là sứ mệnh chính của 5G", bà Tâm nhấn mạnh.

"Lúc chúng tôi bắt đầu nghiên cứu mạng 5G, Việt Nam chỉ mới có khoảng 7 - 8% thiết bị 5G. Đến giờ, sau nhiều cú hích thì đã lên đến 15%, chủ yếu là sẽ tập trung ở khu vực thành thị. Chính vì vậy, chiến lược triển khai của chúng tôi và cũng là của tất cả các nhà mạng trên thế giới đối với 5G là tập trung triển khai ở thành thị trước, sau đó sẽ lan tỏa dần ra nông thôn", bà Tâm nói thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, nếu như mạng 4G có dung lượng và các thứ đang tốt, đảm bảo người dùng tốt thì chúng ta chưa cần kíp phải làm gì thêm. Thế nhưng, thực tế một số khu vực đông dân như ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay các khu công nghiệp, mạng 4G khá "chật chội" chứ không hẳn mang lại cảm nhận tốt.

"Mặc dù tốc độ 4G của chúng ta cũng thuộc top 30 - 40 trên thế giới nhưng mong muốn, nhu cầu của khách hàng là cần nâng cao trải nghiệm hơn nữa. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển 5G ở những nơi mà 4G có nhiều người dùng cao tải và có nhiều thiết bị đầu cuối. Đấy là chiến lược của chúng tôi", bà Tâm chia sẻ.

Cụ thể, bà Tâm cho hay, ở giai đoạn một, Viettel đang làm hơn 6.000 trạm thu - phát sóng 5G phủ outdoor (ngoài trời) trên 90% dân số. Các năm sau, Viettel sẽ tiếp tục phủ sâu hơn khu vực thành thị.

Hiệu quả đầu tư này là cả một dự án dài, đã được Viettel tính toán từ khi họ tham gia đấu giá tần số. Theo bà Tâm, Viettel đã lập dự án để đánh giá hiệu quả trong vòng 15 năm vòng đời của tần số, phải tính toán cả câu chuyện làm trạm như thế nào và đầu tư ra sao,... Khi triển khai thực tế, Viettel sẽ căn cứ theo dự án và tín hiệu của thị trường từng năm một.

"Ví dụ như thiết bị đầu cuối 5G vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, khách hàng Việt Nam mua sắm nhiều, nhu cầu có và đồng thời quá trình đấu thầu mua sắm thiết bị, giá cả hợp lý, chi phí tốt thì chúng tôi có thể đẩy nhanh, triển khai nhiều. Việc đấy sẽ được cân nhắc và điều chỉnh", bà Tâm khẳng định.

Theo báo cáo từ GSMA, tính đến hết quý I/2024, toàn thế giới đã có 312 nhà mạng triển khai 5G với khoảng 800 mạng viễn thông, tức khoảng 40% nhà mạng đã triển khai 5G. Trong đó, 95% nhà mạng lựa chọn 5G non-SA, và chỉ 5% triển khai 5G SA đồng thời với non-SA giống cách Viettel đang làm.

Kiến trúc 5G non-SA (viết tắt của non-standalone) là kiến trúc triển khai mạng 5G dựa trên mạng 4G hiện tại (phần báo hiệu hoàn toàn chạy trên mạng 4G, phần dữ liệu chạy trên cả mạng 4G và 5G). Còn với mạng 5G SA, cả báo hiệu và dữ liệu download/upload sẽ hoàn toàn độc lập với mạng 4G hiện tại.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai kiến trúc mạng 5G nói trên là độ trễ, mạng 5G non-SA có độ trễ 20 - 30ms, cơ bản chỉ tốt hơn một chút so với 4G hiện tại. Trong khi đó, mạng 5G SA có độ trễ trung bình cực thấp, chỉ từ 1 - 5ms. Sự chênh lệch độ trễ này liên quan tới rất nhiều yếu tố về kỹ thuật, trong đó có việc mạng 5G SA không liên quan đến 4G nên rút ngắn phần thời gian báo hiệu.

Về mặt thời gian triển khai, mạng 5G non-SA dựa trên mạng 4G nên nhà mạng chỉ việc nâng cấp nền tảng 4G hiện tại là đã có thể triển khai 5G non-SA. Ngược lại, mạng 5G SA sẽ mất thời gian hơn khi nhà mạng phải đầu tư hệ thống mạng lõi 5G mới hoàn toàn, thông thường thời gian triển khai kéo dài thêm khoảng 6 - 8 tháng so với 5G non-SA.

-- Ông Hoàng Đức Thanh,
Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel
 

Nguồn: [Link nguồn]

Độ phủ của mạng 5G tại Việt Nam có thể chưa rộng, nhưng tốc độ download/upload không thua kém nhiều quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Mạng 5G Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN