Mạng 4G: Chờ hoài chưa thấy!
Một trong những lý do chính dẫn đến việc các nhà mạng chậm ra mắt mạng 4G như cam kết là vì số lượng người dùng có thiết bị di động hỗ trợ 4G không cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần thúc giục các nhà mạng cung cấp sớm mạng 4G trong quý I/2017. Nhiều nhà mạng tuyên bố sẽ cung cấp 4G ngay sau Tết nguyên đán vừa qua song đến nay, người dùng vẫn chưa thấy “mặt mũi” mạng này.
Nhiều lý do lỗi hẹn
Trước đó, từ năm 2013, một số nhà mạng đã thử nghiệm kỹ thuật mạng 4G tại Việt Nam với kỳ vọng tạo ra bước đột phá mới về công nghệ truyền dẫn internet. Để tạo thuận lợi cho nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel, MobiFone, VinaPhone và Gtel trên băng tần 1800 MHz.
Người dùng mong chờ mạng 4G từ lâu song đến nay vẫn chưa thấy Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về tiến độ phủ sóng, MobiFone cho biết đến nay đã xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G và tiến hành đổi sim 4G miễn phí cho khách hàng. Trong năm 2017, MobiFone dự kiến triển khai khoảng 8.000 trạm 4G tại 53 tỉnh, thành.
Tính đến giữa tháng 3, Viettel đã lắp gần 18.000 trạm 4G, đưa công nghệ mới này hiện diện tại 704 quận - huyện trên toàn quốc, đạt 99%. Đến thời điểm này, Viettel có tổng cộng gần 28.000 trạm 4G.
VinaPhone đặt mục tiêu trong quý I/2017 phủ hơn 10.000 trạm 4G. Tỉ lệ phủ sóng 4G của VinaPhone hiện tại đạt 85% và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 100% với tổng số 15.000 trạm.
Ngoài Gtel đến nay vẫn im hơi lặng tiếng, kết quả phủ sóng trên được cho là khá cao. Vậy vì sao các nhà mạng vẫn chưa chính thức cung cấp mạng 4G như cam kết?
Lý giải về sự chậm trễ này, các nhà mạng cho hay 4G cần chi phí đầu tư cao, công nghệ hiện đại và cần khả năng phủ sóng lớn. Do đó, cần có thời gian đầu tư đồng bộ trạm phát sóng cùng công nghệ mới đi kèm. Ngoài ra, mạng 4G có tốc độ cao, các dịch vụ nội dung đi kèm rất phong phú, đòi hỏi chất lượng cao nên phải qua quá trình nghiên cứu phát triển trước khi cung cấp cho người dùng.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng lý do chính dẫn đến các nhà mạng chậm triển khai là vì các thiết bị di động có hỗ trợ 4G tại Việt Nam vẫn còn ít, số lượng người có thiết bị di động hỗ trợ 4G không cao. Việc ít người dùng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của chính các nhà mạng.
Không hơn 3G bao nhiêu
Việc trì hoãn cung cấp 4G cộng thêm nhiều vấn đề khác chưa được khắc phục, theo các chuyên gia, sẽ làm giảm sức hút với người dùng và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của mạng 4G tại Việt Nam cũng như doanh thu của các nhà mạng.
Một chuyên gia viễn thông tại TP HCM cho rằng có 2 vấn đề lớn và là bài toán khó trong việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam. Đầu tiên, do mạng 4G có tốc độ cao nên cần trạm phát sóng mạnh, phủ sóng toàn diện thì mới có thể giúp người dùng sử dụng được tốc độ tối đa. Vấn đề thứ 2 là các dịch vụ nội dung đi kèm với 4G. Bài học thất bại của mạng 3G vẫn còn đó vì các dịch vụ nội dung đi kèm kém thu hút, ít ỏi.
“Hiện nay, tôi vẫn chưa thấy dịch vụ 4G cụ thể của các nhà mạng trong khi ở ngước ngoài, các dịch vụ nội dung đi kèm như tải nhạc, phim, video, xem TV trực tuyến… rất phong phú. Người dùng 4G tại Việt Nam hiện chỉ dùng được mỗi dịch vụ truyền dữ liệu để truy cập internet mà thôi” - chuyên gia này nhận xét.
Trên thực tế, người dùng thử 4G cũng không đánh giá cao chất lượng và dịch vụ nội dung mạng này. “Tôi đã dùng thử 4G của nhiều nhà mạng, tốc độ tuy có cao hơn so với 3G nhưng sóng rất kém, ở nội thành TP HCM nơi có nơi không, ra ngoại thành thì hầu như không có… Các gói cước 4G hiện phong phú hơn 3G nhưng dung lượng cho khách hàng sử dụng không khác mấy so với 3G mà giá tiền thì vẫn tương đương” - anh Trần Vĩnh Phong (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) so sánh.
Theo các chuyên gia, dịch vụ nội dung đi kèm là yếu tố quan trọng để xác định 4G có thành công hay không, có mang lại lợi nhuận cho các nhà mạng hay không. Do đó, nếu không sớm có các dịch vụ nội dung đi kèm cũng như các dịch vụ này kém chất lượng, kém phong phú thì mạng 4G sẽ khó phát triển. Khi đó, dù đổ tiền đầu tư, mạng 4G cũng khó “thọ”.
Tốc độ chưa như công bố Khi ra mắt mạng 4G, các nhà mạng tại Việt Nam đều công bố thử nghiệm tốc độ truyền tải có thể đạt đến 200-300 Mbps. Thế nhưng, trên thực tế, tốc độ 4G mà nhiều người dùng đo được hiện nay chỉ phổ biến trong khoảng 20-40 Mbps. Tại một số vị trí gần trạm phát sóng 4G mạnh, người dùng đo được đạt 30-60 Mbps, tức gấp khoảng 10 lần 3G. Tốc độ truy cập 3G trên thực tế hiện nay trung bình chỉ đạt 3-5 Mbps. |