Màn đấu tay đôi cực gay cấn giữa shark Hưng và startup tại Shark Tank
Shark Hưng tuyên bố nếu startup không đồng ý thì ông có thể tự xây dựng hệ thống riêng để đấu với startup công nghệ này.
Tại tập 5 của chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 4, Phùng Ngọc Toàn - nhà sáng lập và điều hành công ty Ánh Dương với nền tảng công nghệ smart call center (tổng đài thông minh) đã kêu gọi số vốn 2 tỷ đồng cho 8% cổ phần. Ngọc Toàn dự định sử dụng 50% số vốn gọi được cho tuyển dụng và mở rộng quy mô, 20% cho R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm), 20% cho hoạt động marketing (tiếp thị) và 10% là quỹ dự phòng.
Theo anh Toàn, có một sự việc lặp đi lặp lại mà có thể số hóa được, đó chính là cuộc gọi thông báo thông tin sản phẩm mới. Smart call center có thể số hóa được nội dung đó nên mang lại công suất lớn cho khách hàng. Anh Toàn cho biết, hệ thống có thể thực hiện được 300 cuộc gọi chỉ trong thời gian 5 phút với mức giá cực rẻ, chỉ 2,5 triệu/tháng.
Startup Ánh Dương đã đạt doanh thu 1,6 tỷ, lợi nhuận gộp đạt 724 triệu. Năm 2020 doanh thu đạt 924 triệu, lợi nhuận 220 triệu.
Anh Toàn cho biết thêm: Với hệ thống này, tỉ lệ tiếp nhận cuộc gọi bất động sản qua hệ thống đạt khoảng 50% khi gọi qua nền tảng telco (các nhà mạng điện thoại). Mức phí thuê 2,5 triệu/tháng để sở hữu smart call center vẫn chưa bao gồm tiền telco và SMS. Ngoài ra, smart call center có thể dùng như một on cloud (máy chủ ảo - người dùng có thể truy cập vào dịch vụ ở bất cứ đâu, miễn là có kết nối mạng).
Trả lời câu hỏi của shark Liên về điểm khác biệt so với các dịch vụ tổng đài trước đây, Ngọc Toàn cho biết: “Tất cả các phần mềm chị dùng phục vụ cho hoạt động quản trị là chủ yếu. Công nghệ của em phục vụ lợi ích nâng cao hiệu quả cho một cá nhân và cá nhân hóa phần mềm này”.
“Tụi em chỉ cố gắng số hóa phần nào mà máy nên làm thôi. Sự tham lam trong việc số hóa sẽ làm hỏng cái này”, anh giải thích thêm về nội dung cuộc gọi smart call center.
Để hiểu rõ hơn về startup, shark Việt và shark Phú lần lượt đặt câu hỏi về số lượng cổ đông, dung lượng thị trường, đặc điểm khách hàng… Ngọc Toàn cho biết, anh đang nắm giữ 53% cổ phần công ty, CTO 40%, Technical Manager 7% và phần còn lại của nhân viên thân thiết đi theo từ ngày đầu. Vốn điều lệ của công ty là 10 tỷ đồng nhưng thực tế chưa góp vốn.
Lý giải về điều này, Ngọc Toàn cho hay, anh đã bàn bạc để CTO của công ty tạm ứng các chi phí rồi mọi người thực góp theo con số đó. Tuy vậy, trong những tháng đầu tiên công ty đã có lãi nên không cần thiết góp vốn. Điều này khiến shark Việt không khỏi thắc mắc: “Mình không cần tiền thì gọi vốn làm gì?”.
Ngọc Toàn lý giải: “Em cần GPS (định hướng), sự cộng hưởng và tất cả các thứ khác”. Anh cũng cho biết, đây là lần đầu tiên mình khởi nghiệp, nếu có người đồng hành đẳng cấp thì mới đi xa được.
Các shark liên tục đặt câu hỏi cho startup đến gọi vốn.
Trước sự quan tâm của các shark về khách hàng, Ngọc Toàn cho biết, hiện smart call center có 30 khách hàng sử dụng thường xuyên, là các cá nhân rất thành công trong các công ty bất động sản. Mục tiêu của anh là 20% trong số 400.000 môi giới bất động sản sử dụng smart call center. Anh chia sẻ kỳ vọng hết năm 2021 sẽ có 500 khách hàng sử dụng thường xuyên, và tỉ lệ tái ký không được mất đi trong năm 2022.
Shark Bình đánh giá: “Em đang chuyển đổi số cho những người làm sale trên toàn quốc. Đấy là một điều rất tốt, rất chính nghĩa”. Dù vậy, shark Bình quyết định rút khỏi deal vì đã đầu tư vào một doanh nghiệp tương tự.
Shark Liên, shark Việt, shark Phú cũng lần lượt từ chối đầu tư. Cuộc thương thảo lúc này chỉ còn lại shark Hưng.
Shark Hưng đánh giá: “Đây là giải pháp có thể có tác dụng trong CRM và phân phối cuộc gọi, đấy là tính năng cơ bản nhất của call center. Bạn có một cái hơn là nhận diện được giọng nói AI để ra được hành vi tiếp theo”.
Tuy chưa đánh giá được khả năng AI nhận diện giọng nói để đưa ra hành vi tiếp theo nhưng với kinh nghiệm phát triển nền tảng bất động sản nhiều năm, shark Hưng cho rằng: “Khả năng để nó thông minh gần như người là không đơn giản như bạn nói”.
Mặc dù vậy, shark Hưng cho biết Ánh Dương ngay lập tức có thể có hàng chục ngàn khách hàng với điều kiện “phải nhúng vào hệ thống của tôi”. Vì vậy, shark Hưng đề nghị 2 tỷ cho 51% cổ phần.
Startup không đồng ý và lý giải: “Có thể trong đầu của shark Hưng đang nghĩ rằng để training (đào tạo) một con AI cho nó thông minh được như người là khó, nhưng tôi có thể vượt qua nó để làm cho cuộc gọi này trong vòng 2 phút không biết là người hay máy. Tôi sử dụng cách rất thủ công chứ không phải là training cho AI”.
Ngọc Toàn khẳng định: “Tôi sẽ làm được điều đó” và cho biết sẽ chia sẻ tối đa trong chương trình là 36%.
Shark Hưng là "cá mập" duy nhất muốn đầu tư vào Ánh Dương.
Khi shark Hưng không đồng ý và cho rằng mình cần kiểm soát nó và cần nhúng hoàn toàn vào hệ thống, Ngọc Toàn phản bác: “Nếu 51% nhiều khi anh lại mất đi sự đam mê của em”.
Cuộc thương thảo dần trở nên căng thẳng khi shark Hưng đưa ý kiến: “Nếu không tôi sẽ tiếp tục phát triển một nền tảng của riêng tôi. Tôi với bạn có thể đánh cược là sau 2 năm nữa ai sẽ thông minh hơn ai”.
Startup vẫn kiên định với mức 36% và đề nghị 3 tỷ. Shark Hưng cho biết nếu tỷ lệ là 36% thì số tiền là 2 tỷ.
Ngọc Toàn đồng ý đề nghị này với điều kiện nếu đạt từ 500 khách hàng sử dụng thường xuyên mỗi tháng thì sẽ được trả lại 16%. Tuy nhiên, shark Hưng lại đánh giá rằng 500 khách hàng là không đủ.
Startup phân tích: “500 khách hàng, doanh thu mỗi tháng ít nhất 1,2 tỷ. Như vậy, doanh thu mỗi năm là hơn 10 tỷ tiền cho thuê phần mềm. Chắc chắn 20% cho 2 tỷ vẫn quá rẻ vào thời điểm đó”. Ngọc Toàn cho rằng mình có thể đạt được 500 khách hàng trước Tết năm 2022.
Shark Hưng bất ngờ đề nghị: “Nếu không đạt được với 2 tỷ, tôi acquire (mua lại) toàn bộ công ty”.
Nhà sáng lập Ánh Dương từ chối và đề nghị ngược lại con số 2 tỷ cho 20% cổ phần nhưng không được shark Hưng chấp thuận.
Shark Hưng cho biết ngoài việc mang lại khách hàng, shark còn giúp tư vấn kịch bản cho AI và giúp startup“dạy nó cho nó khôn lên nhanh hơn trong thời gian ngắn”.
Cuối cùng, shark Hưng chốt deal thành công 2 tỷ cho 36% cổ phần kèm điều kiện startup có thể mua lại cổ phần. Điều kiện cụ thể sẽ được thảo luận sau.
Sau khi chốt deal, anh Toàn chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui vì công sức cố gắng 2 năm nay cũng có thể được đền đáp. Mặc dù deal vừa rồi định giá thấp một chút xíu nhưng tôi sẽ có cơ hội lấy lại cổ phần khi mình đạt KPI. Đó cũng là động lực để bản thân tôi có thể cố gắng phát triển”.
Nguồn: [Link nguồn]
Lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank Việt Nam có màn gọi vốn online mà vẫn khiến "cá mập" phải gật đầu đầu...