Mã độc tống tiền giả mạo Bộ Công an, đòi tới 1.000 USD tiền chuộc
Tại Việt Nam, mã độc này được phát tán thông qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam với tiêu đề “Goi trong Cong an Nhan dan Viet Nam”.
Sáng ngày 15/3/2019, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã đưa ra cảnh báo về việc theo dõi, ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc GandCrab.
Mã độc tống tiền là một mối nguy trên internet. (Ảnh minh họa)
GandCrab 5.2 là phiên bản mới trong họ mã độc tống tiền GandCrab lan rộng trên toàn cầu trong hơn một năm qua. Ngày 5/4/2018, VNCERT đã phát hành công văn về việc ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc GandCrab (phiên bản 1.0 và 2.0), và hiện nay cũng đã hỗ trợ giải mã GandCrab phiên bản 5.1 trở về trước.
Tuy nhiên, qua theo dõi không gian mạng, VNCERT phát hiện từ giữa tháng 3/2019 đến nay đang có chiến dịch phát tán Mã độc tống tiền GandCrab 5.2 vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, GandCrab 5.2 được phát tán thông qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam với tiêu đề “Goi trong Cong an Nhan dan Viet Nam”, có đính kèm tệp documents.rar.
Nội dung email giả mạo, và danh sách các máy chủ điều khiển mã độc của tin tặc mạng.
Khi người dùng giải nén và mở tập tin đính kèm, mã độc sẽ được kích hoạt và toàn bộ dữ liệu người dùng bị mã hóa, đồng thời sinh ra môt tệp nhằm yêu cầu và hướng dẫn người dùng trả tiền chuộc từ 400 - 1.000 USD bằng cách thanh toán qua đồng tiền điện tử để giải mã dữ liệu.
Để cảnh báo mã độc nguy hiểm này, sáng ngày 15/3/2019, VNCERT đã đưa ra cảnh báo số về việc theo dõi, ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc GandCrab. Cảnh báo yêu cầu lãnh đạo đơn vị chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện khẩn cấp các việc sau để phòng ngừa, ngăn chặn việc tấn công của mã độc GandCrab 5.2 vào Việt Nam:
1. Theo dõi, ngăn chặn kết nối đến các máy chủ máy chủ điều khiển mã độc tống tiền GandCrab và cập nhật vào các hệ thống bảo vệ như: IDS/IPS, Firewall,…
2. Nếu phát hiện cần nhanh chóng cô lập vùng/máy đã phát hiện.
3. Thông báo người sử dụng nâng cao cảnh giác, không mở và click vào các liên kết cũng như các tập tin đính kèm trong email có chứa các tập tin dạng .doc, .pdf, .zip, rar,… được gửi từ người lạ hoặc nếu email được gửi từ người quen nhưng cách đặt tiêu đề hoặc ngôn ngữ khác thường. Và cần thông báo cho bộ phận chuyên trách quản trị hệ thống hoặc đảm bảo an toàn thông tin khi gặp nghi ngờ.
Sau khi mã hóa dữ liệu, kẻ gian sẽ đưa ra yêu sách để đòi tiền chuộc từ người dùng.