Lừa mua iPhone bằng tin nhắn và biên lai ngân hàng giả

Bằng thủ đoạn giả mạo tin nhắn và sao kê từ ngân hàng trực tuyến, kẻ lừa đảo đã dụ được nhiều người bán điện thoại (đa số là iPhone) chuyển hàng đến cho mình rồi biến mất.

Gần đây, nhiều chủ cửa hàng trên các trang rao vặt trực tuyến phản ánh tình trạng bị một số đối tượng lừa đảo đóng giả khách hàng mua điện thoại để nhận hàng từ xa mà không trả tiền. Thủ đoạn chung của kiểu lừa đảo này là giả mạo các tin nhắn xác nhận chuyển khoản từ ngân hàng để người bán yên tâm giao hàng trước. Trên thực tế, kẻ lừa đảo không hề chuyển bất cứ một khoản tiền nào.

Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ một cửa hàng ở Hà Nội cho biết, gần đây có một "khách hàng" tự xưng tên Lê Anh Huy ở TP Vinh liên lạc để mua một máy iPhone 5S với giá 12 triệu đồng, yêu cầu anh Hòa ra bến xe gửi hàng về Vinh. "Điều lạ là khách hàng này giao dịch vào đêm khuya và tỏ ra rất dễ dãi trong việc nhận hàng, không cần kiểm tra máy và cũng không cần gửi chuyển phát", anh Hòa cho biết.

Lừa mua iPhone bằng tin nhắn và biên lai ngân hàng giả - 1

Bảng sao kê ngân hàng đã bị thay đổi nội dung bằng thủ thuật web mà kẻ lừa đảo gửi cho anh Hòa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước khi giao dịch, đối tượng tên Huy đã hỏi anh Hòa có đăng ký ngân hàng trực tuyến (Internet Banking) hay không. Sau khi biết anh Hòa có sử dụng dịch vụ này, Huy giả vờ rằng mình vừa chuyển tiền vào tài khoản của anh Hòa. Sau khi chờ đợi một thời gian, anh Hòa nhắn cho Huy bảo vẫn chưa nhận được tiền đổ vào tài khoản. Huy lại giả vờ gọi hỏi ngân hàng để kiểm tra, sau đó Huy chụp lại màn hình bản sao kê và lịch sử giao dịch của ngân hàng (giả mạo) làm bằng chứng và gửi qua cho anh Hòa xem, đồng thời hối anh này nhanh chuyển chiếc iPhone 5S về Vinh.

Cảm thấy có điều bất thường, anh Hòa đã tra số điện thoại của khách hàng này trên Google và tìm thấy hàng loạt các bài đăng phản ánh của các thương gia khác. Nhận ra mánh khóe của kẻ lừa đảo, anh Hòa mang câu chuyện của mình tố cáo lên một diễn đàn để các chủ cửa hàng khác cùng cảnh giác.

Lừa mua iPhone bằng tin nhắn và biên lai ngân hàng giả - 2

Smartphone cao cấp thường là mặt hàng được những kẻ lừa đảo nhắm tới vì có giá trị cao khi bán lại.

Tương tự như anh Hòa, nhiều người kinh doanh qua mạng tại TP HCM cũng đã "dính" phải chiêu lừa này. Không chỉ làm giả bản in sao kê ngân hàng, kẻ lừa đảo còn dùng các ứng dụng giả mạo tin nhắn xác nhận đã chuyển khoản từ ngân hàng để qua mặt những chủ hàng nhẹ dạ, cả tin.

Không chỉ lừa đảo bằng cách giả mạo tin nhắn và biên lai từ Internet Banking, kẻ lừa đảo cũng có thể lừa đảo bằng chính giấy tờ thật và hợp pháp khi thực hiện chuyển tiền ở ngay tại chi nhánh của ngân hàng bất kỳ.

Trường hợp của chị Nguyễn Thu Hà, chủ một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM là một ví dụ. Chị Hà cho biết đã có lần bị một khách hàng "giả vờ" làm lệnh chuyển tiền ở ngân hàng, có mộc đỏ và chữ ký đầy đủ. Người này đã chụp ảnh lại tờ lệnh chuyển tiền và gửi qua mạng cho chị Hà, giả vờ bảo chị kiểm tra lại thông tin người nhận trên giấy đã đúng chưa. Vội tin vào bức ảnh chụp, chị Hà đã nhanh chóng gửi hàng đến địa chỉ kẻ lừa đảo mà không hay biết "khách hàng" đó đã ngay lập tức hủy lệnh chuyển tiền ở ngân hàng, "xù tiền" mua hàng một cách ngoạn mục.

"Sau một lần bị khách 'chơi chiêu' để quỵt tiền, từ nay tôi chỉ giao hàng khi đã nhận tiền mặt hoặc tin nhắn báo đã nhận tiền từ ngân hàng. Tuyệt đối không tin vào những bức ảnh chụp biên lai qua mạng", anh Nguyễn Văn Quang, một người buôn điện thoại trên mạng cho biết.

Tin nhắn, sao kê trực tuyến bị giả mạo như thế nào?

"Trên kho ứng dụng của Android, iOS và trên web có hàng tá các ứng dụng giả mạo tin nhắn", anh Nguyễn Anh Tuấn, kỹ thuật viên tại một cửa hàng di động và máy tính ở quận 10, TP HCM cho biết. Anh này cũng chia sẻ cách thức mà kẻ lừa đảo giả mạo bản sao kê ngân hàng, đó là nhờ vào một thủ thuật nhỏ mà những ai có chút kiến thức về website cũng có thể làm được.

"Mỗi trình duyệt web đều có tính năng View Source (xem mã nguồn của trang web) để chỉnh sửa nội dung hiển thị trên web. Người thông thạo có thể chỉnh sửa được từng câu chữ, con số, ảnh hiển thị... của bất kỳ website nào sau khi đã tải nó về máy", anh Tuấn cho biết.

Trên thực tế, những thay đổi này chỉ diễn ra trên màn hình máy tính của kẻ lừa đảo và không thay đổi được nội dung gốc trên hệ thống. Do đó, những thương gia buôn bán qua mạng có thể bị lừa nếu tin vào những bức ảnh chụp màn hình biên lai, sao kê hay xác nhận chuyển khoản từ ngân hàng. Người bán chỉ nên chuyển hàng cho người mua sau khi đã nhận đủ tiền mặt hoặc tin nhắn báo đã nhận được tiền từ chính ngân hàng gửi đến điện thoại của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tín (ZING.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN