Loại bỏ khủng bố khỏi Internet
Nhiều người muốn loại bỏ các hoạt động khủng bố ra khỏi môi trường Internet nhưng việc này không dễ dàng vì nó lại ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân.
Có thể nói rằng hầu như các tổ chức cực đoan hay khủng bố quốc tế có số má trước nay đều dùng Internet làm kênh truyền thông cho mình. Từ Taliban ở Afghanistan, Hezbollah ở Lebanon, tới al-Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq… đều sử dụng một cách nhuần nhuyễn và hữu hiệu các kênh thông tin trên Internet.
Một công cụ mang tính hai mặt
Có những kênh bề nổi để quảng bá cho những kẻ khủng bố phát tán tin tức, hình ảnh, video... mà chúng chỉ có thể có được trên mạng Internet chứ không thể sử dụng các loại hình truyền thống (báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh…).
Có những kênh chiều sâu, ẩn giữa hàng triệu website, trang thông tin khác mà hễ có ai gọi tới qua các công cụ tìm kiếm trên mạng (search engine) là chúng lập tức xuất hiện phục vụ. Các kênh này được sử dụng để tuyên truyền, nói cách nào đó là “công tác tư tưởng”, giúp người ta có được những hiểu biết về các tổ chức cực đoan, mục đích và lý tưởng của chúng. Chúng gieo rắc những tư tưởng, mầm mống cực đoan, nổi loạn. Đây cũng chính là những kênh huấn luyện quỷ khốc thần sầu của các tổ chức khủng bố, sẵn sàng chỉ dẫn từng ly từng tí cho người ta những kỹ năng, cách làm.
Trong khi các kênh bề nổi phục vụ cho những nhiệm vụ nóng hổi và có tác dụng như những “tiếng nói chính thức” của những tổ chức cực đoan, các kênh chiều sâu hoạt động theo chiêu thức mưa dầm thấm lâu vừa giúp mở rộng “biên chế”, vừa nâng cao “tay nghề” cho các thành viên hiện hữu hay tiềm năng. Hầu hết trong hàng chục ngàn tay súng nước ngoài của IS là những kẻ có tư tưởng cực đoan trên khắp thế giới đổ tới Syria để đầu quân đều có được sự hưng phấn nhờ những trang mạng của tổ chức này.
Chủ nghĩa cực đoan khủng bố đang lợi dụng mạng xã hội để chiêu dụ tay sai. Ảnh: INTERNET
Và cuộc chiến mới
Đó là lý do từ lâu các chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo và sau đó bắt đầu cùng nhà chức trách từ cấp toàn cầu tới từng quốc gia tiến hành những hoạt động chống lại các nguy cơ khủng bố trên mạng Internet. Đây là một nhiệm vụ phải làm song hành cả hai tay, một mặt phản tuyên truyền chống lại các luận điệu và thông tin do các tổ chức cực đoan đưa ra trên Internet và một mặt tìm cách ngăn chặn việc chúng khai thác mạng truyền thông toàn cầu này.
Trong một bài viết ngày 25-3-2016, ba ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom kép đẫm máu tại thủ đô Brussels (Bỉ), Rob Pegoraro, cây bút của trang Yahoo Tech, đã cho giựt tít: “Loại bỏ chủ nghĩa khủng bố ra khỏi Internet ư? Nó vẫn còn không đơn giản…”. Có rất nhiều lý do nhưng tựu trung là Internet có những đặc thù riêng của nó, cộng với cái rào chắn quyền tự do cá nhân, đồng thời thực tế là cả quân xanh lẫn quân đỏ đều có nhu cầu khai thác những thông tin trên Internet.
Vậy thì phải làm sao đây? Như đã nói ở trên, với đặc thù của Internet, cuộc chiến chống khủng bố trên Internet khả thi nhất vẫn phải dùng binh pháp hai mũi giáp công. Cái mặt trận phản tuyên truyền thì đơn giản thôi. Gay go và phức tạp nhất là việc hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của các kênh truyền thông của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Tất nhiên muốn ngăn chặn các kênh truyền thông của chủ nghĩa khủng bố một cách hiệu quả nhất cần phải có sự tham gia của ban quản trị các mạng truyền thông xã hội. May mắn là các mạng xã hội lớn đều đã có những quy định về điều này. Hồi tháng 2-2016, mạng tin nhắn Twitter cho biết đã đình chỉ hơn 125.000 tài khoản do có hành vi đe dọa hay cổ vũ cho các hành động khủng bố, chủ yếu có liên quan tới bọn IS. Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook thẳng tay hơn, đã thắt chặt các quy định cộng đồng, thậm chí cấm cả thái độ tha thứ cho chủ nghĩa khủng bố. Bây giờ Facebook đã có năm văn phòng trên khắp thế giới chuyên làm nhiệm vụ giám sát và gỡ bỏ các nội dung có lợi cho bọn khủng bố. Mạng xã hội video YouTube cho biết bình quân mỗi ngày họ phải xử lý 100.000 video clip vi phạm quy định của mình.
Còn chuyện thuyết phục mọi người không héo lánh tới các kênh khủng bố thì là cả một công cuộc tuyên truyền và giáo dục toàn dân trên quy mô toàn cầu.
Dấu ấn Việt Nam trong chống khủng bố Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet, cho chúng tôi biết tin Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum, BGF), một viện chính sách công của Mỹ, vừa công bố Sáng kiến chống khủng bố trên mạng tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 28-3-2016 trong hội nghị hằng năm (sáng kiến cho Hội nghị thượng đỉnh các nước G7). Ông Tuấn là nhà đồng sáng lập và là CEO của BGF kiêm Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của ĐH California Los Angles (UCLA) và UNESCO Liên Hiệp Quốc. Đây sẽ là một nỗ lực hữu ích của các nhà tư tưởng chiến lược (thinker), các chuyên gia hàng đầu thế giới và đặc biệt là có dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu |