Lộ diện hành tinh trẻ tuổi nhất, thách thức hiểu biết của nhân loại
IRAS 04125+2902b được mô tả là "một bước ngoặt đáng ngạc nhiên, thách thức sự hiểu biết hiện tại về cách các hành tinh hình thành".
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Madyson Barber từ Đại học North Carolina (Mỹ) đã khám phá ra sự tồn tại của một hành tinh sơ sinh mang tên IRAS 04125+2902b từ dữ liệu tàu vũ trụ TESS của NASA.
IRAS 04125+2902b có bán kính bằng 0,96 lần bán kính Sao Mộc và nhưng khối lượng chưa đến 0,3 lần khối lượng Sao Mộc, nằm cách chúng ta 522 năm ánh sáng.
Còn được gọi là TIDYE-1b, ngoại hành tinh khổng lồ này quay quanh ngôi sao mẹ của nó - IRAS 04125+2902 - với chu kỳ 8,83 ngày.
Hành tinh IRAS 04125+2902b và ngôi sao mẹ của nó - Ảnh đồ họa: NASA
Theo TS Barber, IRAS 04125+2902b đang thách thức hiểu biết của nhân loại về cách các hành tinh được hình thành về nhiều mặt.
Đầu tiên, ngoại hành tinh này đã thành hình dù chỉ mới bắt đầu hình thành 3 triệu năm về trước.
Trái Đất của chúng ta vốn mất tận 10-20 triệu năm để có thể định hình phiên bản sơ khai nhất.
Theo Sci-News, phát hiện này làm sáng tỏ những khác biệt tiềm ẩn giữa hệ Mặt Trời của chúng ta và các hệ hành tinh có các hành tinh khổng lồ gần như IRAS 04125+2902b.
Nó cũng mở ra những hướng nghiên cứu mới vì hành tinh này vẫn nằm trong đĩa vật chất của nó, cho phép các nhà khoa học tìm hiểu quá trình hình thành một cách chi tiết.
Chiếc đĩa này thách thức hiểu biết về vũ trụ học lần thứ hai.
Các hành tinh trong Thái Dương hệ và nhiều hệ sao khác đã biết thường hình thành từ một đĩa bụi và khí phẳng.
Ví dụ, quỹ đạo Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương đều nằm trên một mặt phẳng.
Nhưng với hành tinh non trẻ vừa được phát hiện, đĩa bị nghiêng, không thẳng hàng với cả chính hành tinh này lẫn ngôi sao của nó.
Điều này được các nhà nghiên cứu mô tả là "một bước ngoặt đáng ngạc nhiên thách thức sự hiểu biết hiện tại về cách các hành tinh hình thành”.
Nghiên cứu sơ bộ về thế giới thú vị này vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature. Nhưng đây chỉ mới là bước đầu.
Theo các tác giả, các nghiên cứu tiếp theo sẽ phân tích sự so sánh giữa bầu khí quyển của hành tinh này với vật liệu đĩa xung quanh, cung cấp manh mối về cách mà nó sở hữu một quỹ đạo chặt đến thế quanh ngôi sao mẹ.
Các tác giả cũng sẽ kiểm tra xem IRAS 04125+2902b có đang phát triển tiếp tục bằng cách tích tụ vật chất hay không, hay là đang mất đi lớp khí quyển phía trên do ảnh hưởng của ngôi sao mẹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong số 108 mẫu vật được tàu vũ trụ Hằng Nga 6 mang về Trái Đất, có một mảnh đá hoàn toàn khác biệt.