Lộ diện dấu hiệu mới có thể phát ra từ sinh vật ngoài hành tinh
Tuy có vẻ khó tin, nhưng khí cười - oxit nitơ y tế- lại là dấu hiệu hóa học khả dĩ "đánh dấu" các bản sao Trái Đất có sự hiện diện của sinh vật ngoài hành tinh.
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới chỉ ra oxit nitơ - một sản phẩm của quá trình chuyển hóa nitơ của vi sinh vật - là một dấu hiệu sinh học ngoại hành tinh hấp dẫn mà các kính thiên văn Trái Đất có thể tìm kiếm thông qua dữ liệu quang phổ.
Trong những năm gần đây, xác định những dấu hiệu khả dĩ có thể đại diện cho sinh vật ngoài hành tinh trên các thế giới ngoài hệ Mặt Trời là điều các nhà thiên văn học theo đuổi. Chúng ta không thể nhìn trực tiếp vào các hành tinh cách xa hàng chục, hàng trăm năm ánh sáng, nhưng tìm kiếm dấu hiệu hóa học của những thứ liên quan đến sự sống trong bầu khí quyển thì có.
Ảnh mô tả về một bản sao Trái Đất có thể có sinh vật sống - Ảnh: SCI-NEWS
Để một thế giới có sự sống, điều kiện nhất định là chúng phải sở hữu bầu khí quyển toàn cầu với sự trao đổi khí mạnh mẽ giữa sự sống và khí quyển, từ đó tạo ra những hợp chất đặc trưng sinh học.
"Người ta đã suy nghĩ rất nhiều về oxy và mêtan như dấu hiệu sinh học" -Tiến sĩ Eddie Schwieterman, nhà sinh vật học thiên văn từ Trường Đại học California ở Riverside, Viện Khoa học Vũ trụ Blue Marble và tham gia một số nhiệm vụ của NASA, cho biết.
Nhưng càng nhiều lựa chọn tìm kiếm thì khả năng đạt được thành quả càng cao. Tiến sĩ Schwieterman và các đồng nghiệp đã xác định xem các sinh vật sống trên một hành tinh tương tự như Trái Đất có thể tạo ra bao nhiêu oxit nitơ, từ đó thiết lập các mô phỏng.
Họ xác định những hệ sao như TRAPPIST-1, nổi tiếng với 7 hành tinh giống Trái Đất, có khả năng cao để được xem xét dựa vào oxit nitơ. Mô hình này hiệu quả với khá nhiều loại hệ sao khác, miễn là chúng có các hành tinh giống Trái Đất.
Việc xác định chính xác oxit nitơ có thể được thực hiện tốt bởi những đài quan sát hiện đại như Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA/ESA/CSA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ - châu Âu - Canada).
Tiến sĩ Schwieterman nói thêm: "Kết luận này dựa trên nồng độ oxit nitơ trong bầu khí quyển của Trái đất ngày nay". Ông cho rằng các hành tinh quay quanh các sao lùn loại K và M nên được xem xét đầu tiên bởi sẽ tạo ra loại quang phổ phù hợp, không làm nhiễu loạn dấu hiệu của hợp chất tiềm năng này.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong những bức ảnh radar, gần 1.000 cấu trúc cổ đại mà mắt thường khó lòng nhận biết, có từ 1.800 năm trước cho đến Thế chiến II, đã hiện ra như những "bóng ma" dày...