Lộ diện 2 kẻ ẩn nấp bí ẩn bên thiên hà chứa Trái Đất
Hai vệ tinh mới mang tên Sextans II và Virgo III vừa bất ngờ xuất hiện nơi vùng tăm tối cạnh thiên hà chứa Trái Đất Milky Way.
Theo Space.com, với sự xuất hiện đột ngột trong các dữ liệu thiên văn, Sextans II và Virgo III đã tham gia vào tập hợp khoảng 60 thiên hà lùn đã biết đang tụ tập xung quanh "quái vật" Milky Way (Ngân Hà), là thiên hà xoắn ốc khổng lồ mà địa cầu đang trú ngụ.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Masahi Chiba từ Đại học Tohoku (Nhật Bản) cho biết 2 vật thể ma quái này hứa hẹn giúp chúng ta hiểu thêm về một "thế lực" bí ẩn của vũ trụ: Vật chất tối.
Ảnh phóng to thể hiện vị trí của thiên hà Virgo III, nằm trong chòm sao Xử Nữ theo góc nhìn từ Trái Đất - Ảnh: NAOJ/ĐẠI HỌC TOHOKU
Với niềm tin rằng nhiều vệ tinh của Ngân Hà vẫn chưa được phát hiện do quá xa xôi và mờ nhạt, GS Chiba và các đồng nghiệp đã thực hiện cuộc săn tìm mới bằng kính thiên văn Subaru đặt gần đỉnh Maunakea ở Hawaii và tìm thấy 2 thiên hà nói trên.
Sự tồn tại của hai thiên hà lùn mới được nhận diện liên quan mạnh mẽ đến hoạt động của vật chất tối.
Vật chất tối là một vấn đề vũ trụ dai dẳng vì nó không tương tác với ánh sáng cũng như vật chất thông thường tạo nên các ngôi sao, hành tinh, mặt trăng và cả chúng ta.
Tuy nhiên, vật chất tối chiếm tới 85% vũ trụ và thực sự tương tác với lực hấp dẫn, có thể ảnh hưởng đến chuyển động và động lực của ánh sáng cũng như vật chất hàng ngày.
Điều này cho phép các nhà khoa học suy ra sự hiện diện của vật chất tối và cuối cùng xác định rằng các thiên hà lớn được bao quanh bởi các quầng sáng lớn của chất bí ẩn này, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của thiên hà.
Trong vũ trụ sơ khai, chúng hình thành các giếng hấp dẫn, nơi khí và bụi hình thành nên các ngôi sao bên trong các thiên hà. Cuối cùng, các quầng này cũng tụ lại với nhau, hình thành nên các thiên hà lớn như Ngân Hà.
Mô hình này cũng cho thấy nếu vật chất tối tồn tại, nó sẽ không định hình một thiên hà lớn đơn độc, mà còn tạo nên hàng trăm vệ tinh xung quanh.
Ví dụ thiên hà khổng lồ Andromeda (Tiên Nữ), kích thước thậm chí nhỉnh hơn Ngân Hà một chút, phải có đến 500 vệ tinh, trong khi Ngân Hà có ít nhất 220 cái.
Nhưng chúng ta chỉ mới nhìn thấy hơn 60 vệ tinh của Ngân Hà và 39 cái của Tiên Nữ.
Vì vậy, khám phá được các thiên hà vệ tinh khó thấy nhất của Ngân Hà hay Tiên Nữ cũng là cách gián tiếp để nắm bắt cách mà vật chất tối tác động lên sự tiến hóa của các vật thể vũ trụ.
Gần gũi nhất, nghiên cứu về Sextans II và Virgo III hứa hẹn các thông tin thú vị.
Các nhà khoa học cũng cho biết ngay cả công thần hàng đầu trong cuộc khai phá vệ tinh của Ngân Hà là Subaru cũng chỉ quan sát được một phần của bầu trời.
Vì vậy, còn nhiều mảnh ghép hứa hẹn được tìm thấy, khi nhân loại phát triển được các kính viễn vọng quan sát toàn diện hơn và ít nhất là mạnh mẽ như Subaru.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản đã lập kỷ lục thế giới mới về tốc độ truyền dữ liệu internet.
Nguồn: [Link nguồn]