Lần đầu phát hiện hành tinh được "nâng cấp" thành quái vật
Một hành tinh to lớn đến nỗi vi phạm lằn ranh chia tách trạng thái hành tinh - sao lùn nâu vừa được phát hiện giữa 2 "mặt trời" khác, sở hữu hiện tượng giống Trái Đất nhưng thảm khốc hơn rất nhiều.
Thế giới "quái vật" mang tên WHS 1256 b đúng là một hành tinh, vì nó có sao mẹ - không chỉ 1 mà đến 2 cái - tuy nhiên lại vượt xa giới hạn khối lượng của một hành tinh là 10-13 lần Sao Mộc.
Theo Science Alert, hành tinh kỳ quái này nặng tới 20 lần Sao Mộc, tức 6.360 lần Trái Đất, sở hữu nhiệt độ nóng tới mức nhôm cũng phải tan chảy và có quỹ đạo tận 10.000 năm xung quanh hai ngôi sao mẹ.
WHS 1256 b kỳ quặc, vượt lằn ranh lý thuyết thiên văn đã được quan sát chi tiết bởi James Webb - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Nó được siêu kính viễn vọng không gian James Webb của NASA/ESA/CSA (các cơ quan vũ trụ Mỹ - châu Âu - Canada) phát hiện trong tình trạng bị bủa vây bởi các cơn bão cát. Nhưng không giống như bão cát Trái Đất, đó là những cơn bão cực mạnh, không bao giờ kết thúc.
Bão cát thảm khốc đã khiến các đám mây cuộn xoáy đầy hạt silicat lưu thông khắp bầu khí quyển của hành tinh.
Theo nhà vật lý thiên văn Paul Molliere từ Viện Thiên văn học Max Planck (Đức), đây là lần đầu tiên nhiều thứ được tiết lộ như vậy chỉ thông qua một dữ liệu quang phổ duy nhất. Tất cả là nhờ James Webb, có sức mạnh vượt trội so với các phương tiện quan sát tiền nhiệm.
Đây cũng là lần đầu tiên một thế giới vượt quá giới hạn khối lượng hành tinh được khẳng định đúng là một hành tinh, chứ không phải sao lùn nâu - vật thể có thể coi như một ngôi sao cao cấp hoặc hành tinh thất bại vì quá nhỏ để tạo phản ứng nhiệt hạch của sao nhưng quá lớn để là hành tinh, và không có sao mẹ.
Một khả năng được đưa ra là vật thể bí ẩn này được ra đời theo một cách "lai" giữa cách sao lùn nâu và hành tinh hình thành.
Sao lùn nâu không có sao mẹ, hình thành từ sự sụp đổ trực tiếp từ đám mây khí bụi giữa các vì sao, nhưng lại thất bại nên không hẳn là sao. Trong khi đó hành tinh sinh ra từ đĩa khí bụi của các ngôi sao.
WHS 1256 b có hẳn 2 ngôi sao mẹ, nên nó rất có thể được hình thành từ một đám mây khí bụi kết hợp của 2 ngôi sao đó, với cơ chế sụp đổ tương tự sao lùn nâu.
Đây là một hành tinh rất trẻ, chỉ mới 150 triệu tuổi và còn rất nóng với bầu khí quyển đạt nhiệt độ khoảng 830 độ C, cộng với trọng lực thấp đã tạo cho nó một bầu trời hỗn loạn.
Với quỹ đạo xa tận 10.000 năm Trái Đất, hành tinh này đủ xa để ánh sáng không bị trộn lẫn với các ngôi sao, tạo nên điều kiện tuyệt vời để các nhà khoa học thử nghiệm các phương pháp quan sát ngoại hành tinh.
Nghiên cứu vừa được công bố trên The Astrophysical Journal Letters.
NASA tiết lộ họ sẽ sử dụng Mặt Trăng như một căn cứ huấn luyện cho lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ "khai phá" các hành tinh khác.
Nguồn: [Link nguồn]