Làm thế nào để hạn chế bị theo dõi khi sử dụng điện thoại?
Mới đây, tờ New York Times (NYT) đã đăng tải một bản báo cáo cho thấy việc người dùng bị theo dõi dễ dàng như thế nào thông qua các ứng dụng trên điện thoại.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn vừa tìm kiếm một món đồ nào đó bằng Google thì ngay lập tức quảng cáo về sản phẩm sẽ xuất hiện “chình ình” trên Facebook hoặc một số trang web khác.
Annie Machon, cựu cảnh sát tình báo của MI-5 (Anh) cho biết những thiết bị được sản xuất sau năm 2008 cho phép các bên thứ ba có thể thu thập thông tin của người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc máy tính, điện thoại di động… đều có thể bị theo dõi.
Trong những năm gần đây, Google đã cho phép người dùng Android kiểm soát quyền truy cập thông tin của các ứng dụng kỹ càng hơn, nghĩa là bạn có thể dễ dàng cấp quyền cũng như thu hồi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc này có thể khiến ứng dụng hoạt động không chính xác, đơn cử như một ứng dụng bản đồ sẽ cần biết vị trí của bạn để cung cấp hướng dẫn chỉ đường, nhưng các ứng dụng khác như thời tiết, chụp ảnh… không nhất thiết phải biết bạn đang ở đâu.
Tương tự, trên iPhone cũng có sẵn các tùy chọn cho phép bạn thiết lập lại quyền hạn của ứng dụng. Để tránh bị theo dõi, bạn hãy truy cập vào phần Settings (cài đặt) > Privacy (quyền riêng tư) > Location Services (dịch vụ định vị).
Nếu muốn chặn truy cập vị trí hoàn toàn, người dùng chỉ cần vô hiệu hóa tùy chọn Location Services (dịch vụ định vị). Ngược lại, nếu muốn quản lý chủ động, bạn hãy chọn ứng dụng và thay đổi lại thành Never (không) hoặc While Using (khi dùng ứng dụng) thay vì là Always (luôn luôn).
Kiểm soát quyền hạn ứng dụng trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG
Điều này sẽ phần nào đảm bảo dữ liệu vị trí của bạn không bị thu thập, đặc biệt là với những ứng dụng game, bạn nên thiết lập là Never (không). Đối với những ứng dụng khác như thời tiết, người dùng nên chuyển quyền từ Always (luôn luôn) thành Never (không) vì bạn có thể chủ động nhập địa điểm cần theo dõi thời tiết.
Đối với các thiết bị Android, bạn hãy tắt tất các ứng dụng đang mở, sau đó truy cập vào phần Settings (cài đặt) > Manage apps (quản lý ứng dụng), chọn ứng dụng cần kiểm soát quyền hạn, sau đó nhấn App permissions (quyền ứng dụng) và vô hiệu hóa bớt những quyền không cần thiết. Không giống như iPhone, Android chỉ cho phép bạn bật/tắt quyền, thay vì chỉ bật khi sử dụng ứng dụng. Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
Kiểm soát quyền hạn ứng dụng trên Android. Ảnh: MINH HOÀNG
Ngoài ra còn một số giải pháp khác như bảo mật tin nhắn. Nếu muốn hạn chế việc bị người khác theo dõi hoặc đọc lén tin nhắn, bạn hãy sử dụng các phần mềm mã hóa hoặc tự hủy tin nhắn như Messenger (Secret conversation), Confide (iOS). Tương tự, việc mã hóa email là vô cùng cần thiết, bạn có thể thực hiện việc này bằng cách mã hóa kết nối (bật giao thức SSL và TLS) trong phần cấu hình hoặc tận dụng các phần mềm phụ trợ sử dụng giao thức OpenPGP.
Bên cạnh đó, thay vì sử dụng phần mềm độc quyền do Microsoft, Apple… phát triển, người dùng nên tận dụng các ứng dụng mã nguồn mở để có thể kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của những phần mềm này là thường không có nhiều tính năng, gây khó khăn cho người sử dụng.
Với công nghệ hiện nay, tội phạm mạng có thể sử dụng mã độc hoặc phần mềm độc hại để theo dõi người dùng bằng cách bí mật kích hoạt webcam hoặc micro tích hợp trên thiết bị. Do đó để hạn chế tình trạng trên, bạn nên che webcam khi không sử dụng.
Nhìn chung trên đây là một số cách đơn giản để kiểm soát quyền hạn các ứng dụng trên điện thoại, hạn chế tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân và dữ liệu vị trí cho các bên thứ ba.
Thử nghiệm từ YouTuber nổi tiếng này có thể đo độ trung thành của các fan Apple và Android.