Làm gì khi nhận cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đổi SIM, phạt nguội?

Bộ TT&TT vừa thí điểm tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ ngày 1/11/2022, Bộ TT&TT triển khai thí điểm tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, các doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin thuê bao của số thuê bao có hành vi phản ánh phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng để tổng hợp, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một cuộc gọi rác được ứng dụng MyMobiFone thông báo.

Một cuộc gọi rác được ứng dụng MyMobiFone thông báo.

Đại diện Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT&TT) lưu ý, khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên bình tĩnh, phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai hình thức: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156. Cụ thể:

- Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, trong đó:

+ Với tin nhắn rác: S (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác: V (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656).

- Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan,...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, các nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác.

Đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng. Đây là vấn nạn của cả thế giới, không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ TT&TT (do Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành) đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh, trong đó: Số lượt phản ánh tin nhắn rác là 25.476 lượt (giảm 10,6 % so với cùng kỳ năm 2021); Số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 lượt (tăng 34,2%) với 12,5% là các cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Nguồn: [Link nguồn]

Mất 2,1 tỉ đồng vì bị chiếm đoạt sim điện thoại

Việc tấn công lấy quyền kiểm soát số điện thoại có thể dẫn đến việc dễ dàng tấn công các tài khoản, kể cả tài khoản ngân hàng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN