"Lá chắn" bảo vệ người dùng internet

Không chỉ đưa ra các ứng dụng chặn website lừa đảo trên điện thoại, máy tính, các hãng công nghệ còn tăng cường giải pháp bảo vệ hạ tầng, chống tấn công bằng mã độc...

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa ra mắt ứng dụng bảo đảm an toàn không gian mạng trên đa nền tảng cho người dân với tên gọi Visafe. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Visafe là sản phẩm mở đầu cho chiến dịch phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân dự kiến được triển khai trong thời gian tới. "Bộ TT-TT xác định an toàn thông tin cho tổ chức, cá nhân trên không gian mạng là mục tiêu quan trọng nhất" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Chặn thông tin xấu, độc

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, đơn vị phát triển ứng dụng Visafe), với tính năng "một chạm", ứng dụng Visafe giúp đơn giản hóa việc bảo vệ người dùng internet ở mọi độ tuổi.

Theo đó, chỉ cần tải ứng dụng Visafe về thiết bị, người dùng có thể truy cập vào trang web daylatrangluadao.click và được gửi cảnh báo khi truy cập website độc hại. Visafe giúp người dùng bảo vệ mình trước các nguy cơ tấn công mạng nghiêm trọng, như: tấn công ăn cắp dữ liệu bằng mã độc, khai thác thông tin bằng phần mềm, tấn công vào phần mềm trong chuỗi cung ứng…

Ứng dụng này cũng chặn các trang web có chứa mã độc, trang web thu thập và theo dõi dữ liệu hành vi lướt web của người dùng, trang web được đánh giá không an toàn. Từ đó, Visafe giúp hạn chế tối đa việc người dùng bị đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, Visafe còn có tính năng chặn các quảng cáo vi phạm an toàn thông tin như chứa nội dung khiêu dâm, cờ bạc, tín dụng đen; giúp người dùng loại bỏ những kết quả tìm kiếm chứa các nội dung không phù hợp trên trình duyệt.

Trước Visafe, một giải pháp tương tự là F-Safe được FPT Telecom phát triển với khả năng bảo vệ toàn bộ kết nối internet trong gia đình một cách tự động, nhất là giám sát những nội dung được trẻ em tiếp cận trên môi trường mạng. Tương tự, Google cũng mới ra mắt bộ giáo trình hướng dẫn trẻ em sử dụng internet an toàn, thông minh. Đây là một nhánh trong chương trình "An toàn hơn cùng Google" do Google cùng NCSC phối hợp triển khai nhằm cung cấp các thông tin an toàn bảo mật và riêng tư của nhóm sản phẩm đa dạng thuộc Google, như: Gmail, Google Meet, Google tìm kiếm, trình duyệt Chrome, bản đồ Maps, YouTube, Android.

Cũng hướng tới bảo vệ an toàn cho người dùng internet, Bkav mới đây đưa ra bộ giải pháp Bkav 2021 (gồm phần mềm diệt virus Bkav Pro 2021 cho người dùng cá nhân và Bkav Endpoint 2021 cho cơ quan, doanh nghiệp) với khả năng bảo vệ 5 lớp. Trong đó, lớp mạng giúp bảo vệ, giám sát kết nối mạng đến và đi; lớp hệ điều hành có nhiệm vụ giám sát, phát hiện lỗ hổng của hệ điều hành; lớp dữ liệu sẽ bảo vệ, giám sát các thay đổi liên quan đến dữ liệu, cấu hình; lớp ứng dụng giám sát hành vi và lỗ hổng của các ứng dụng; lớp người dùng giúp bảo đảm thực thi các chính sách an ninh thông tin.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc của Bkav, cho hay hệ thống trên còn có các tính năng quản trị tập trung, báo cáo định kỳ giúp các cơ quan, doanh nghiệp, người dùng nắm được thông tin tổng quan cũng như chi tiết về tình hình virus máy tính trong toàn hệ thống. Ngoài ra, phiên bản Bkav Endpoint 2021 còn cung cấp các thống kê báo cáo dưới dạng Dashboard trực quan để doanh nghiệp có được bức tranh tổng thể về tình hình bảo vệ hệ thống định kỳ, gồm số file đã quét, số file là mã độc, số kết nối đã kiểm soát, số kết nối nguy hiểm đã ngăn chặn, tỉ lệ các loại mã độc lây nhiễm...

Hiện có nhiều ứng dụng, giải pháp giúp người dùng ứng phó với nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Ảnh: MINH CHIẾN

Hiện có nhiều ứng dụng, giải pháp giúp người dùng ứng phó với nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Ảnh: MINH CHIẾN

Chủ động phòng ngự

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc NCSC, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, các hoạt động từ làm việc, học tập, giải trí, liên lạc đến giao thương đều diễn ra trên kênh trực tuyến. Do vậy, môi trường mạng là phương tiện đắc lực cho người dùng song cũng đem lại rủi ro lớn đối với Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Trong giai đoạn người dân gia tăng sử dụng internet, NCSC ghi nhận số lượng không nhỏ các chiêu trò giả mạo quảng cáo trên Facebook, Zalo…, nhắn tin lừa đảo trực tiếp qua số điện thoại. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 5.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

"Chỉ cần một chút lơ là, người dùng có thể bị đánh cắp mọi thông tin cá nhân, tiền bạc trong giây lát. Do vậy, ứng dụng chặn website lừa đảo, chặn quảng cáo vi phạm… trên điện thoại, máy tính sẽ giúp người dùng internet có một lá chắn vững chãi để tự bảo vệ mình trước phần lớn các cuộc tấn công mạng" - ông Hưng nói và nhấn mạnh an toàn, an ninh mạng là một trong những trụ cột chính của tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Võ Khánh Dương, chuyên gia công nghệ thuộc Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng ATHENA, các nhà nghiên cứu về mối đe dọa trên không gian mạng đã nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi của tội phạm mạng gần đây. Kể từ lúc bắt đầu đợt dịch Covid-19 thứ tư vào tháng 5 vừa qua, các cảm biến toàn cầu phát hiện ra mục tiêu tấn công hàng đầu đã chuyển từ các thiết bị, ứng dụng của công ty sang bộ định tuyến của người dùng và các thiết bị gắn vào mạng gia đình như DVR (camera kỹ thuật số). Đặc biệt, có sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhắm vào người dùng cuối thông qua việc thu hút họ nhấp vào các website độc hại hoặc mở tệp đính kèm bị nhiễm mã độc. Trong khi đó, nhiều thiết bị gắn với mạng gia đình không được vá hoặc cập nhật thường xuyên.

"Người dùng cần chủ động phòng ngự trước những cuộc tấn công trên không gian mạng bằng nhiều cách. Quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp về an ninh mạng thông qua công tác đào tạo, tự đào tạo. Bên cạnh đó, người dùng nên chạy phiên bản mới nhất của hệ điều hành; bổ sung, nâng cấp ứng dụng bảo mật để bảo vệ mạng gia đình và các thiết bị khỏi các cuộc tấn công" - ông Dương lưu ý.

Vị chuyên gia của Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng ATHENA còn khuyến nghị người dùng đặt mật khẩu khó đoán, sử dụng hệ thống quản lý mật khẩu an toàn, sử dụng ứng dụng có tính năng xác thực đa yếu tố nhằm ngăn chặn tội phạm mạng đánh cắp mật khẩu để truy cập các tài nguyên trong hệ thống mạng. Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng thêm cơ chế xác thực bằng mã thông báo bảo mật (token) hay vân tay bên cạnh mật khẩu để hình thành thêm một lớp xác thực danh tính…

Thống kê của Bkav cho thấy trong năm 2020, Việt Nam thiệt hại hơn 23.900 tỉ đồng do virus máy tính. Mức thiệt hại dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi người dùng có xu hướng tăng sử dụng internet để đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc trong bối cảnh mới.

Phải xóa ngay những ứng dụng này khỏi smartphone Android

Không chỉ xóa bỏ mà người dùng còn phải kiểm tra lịch sử tính cước của thuê bao di động để ngăn chặn kịp thời việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến - Hoài Dương - Đức Huy ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN