Kỹ sư Google 'choáng' với khả năng CNTT của học sinh VN

Theo Neil Fraser, học sinh lớp 5 tại Việt Nam có thể làm các bài tập về CNTT mà ở Mỹ, học sinh lớp 11-12 mới được học. Trong khi đó, học sinh lớp 11 có thể vượt qua các bài test kỹ năng thuộc hàng khó của Google.

Anh Neil Fraser - một kỹ sư của Google vừa có chuyến thăm quan đến một số trường tiểu học và PTTH tại Việt Nam. Anh tỏ ra hết sức ấn tượng với việc toàn bộ học sinh lớp 3 tại Việt Nam đều đã biết sử dụng Windows và bắt đầu học gõ tiếng Anh, sử dụng Microsoft Word. Trong khi đó, học sinh lớp 5 tại Việt Nam đã làm được những việc mà ở Mỹ, phải những học sinh lớp 11-12 mới giải quyết được.

Kỹ sư Google 'choáng' với khả năng CNTT của học sinh VN - 1

Anh Neil Fraser trong chuyến thăm Việt Nam.

Do đó, anh quyết định thử đến một lớp 11 tại Việt Nam để xem, học sinh lớp 11 Việt Nam có thể làm được những gì? Dưới đây là lược dịch bài viết trên blog của Neil Fraser, đăng hôm 16/3:

"Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, tôi đã có cơ hội thăm quan một số trường học và tìm hiểu xem tại đây, CNTT phổ biến đến mức nào. Thông thường, để chính thức đến thăm một trường học, người nước ngoài phải được sự cho phép của các cơ quan lãnh đạo nhưng có một cách đơn giản hơn (và cũng tự nhiên hơn) đó là thực hiện một chuyến viếng thăm không báo trước. Một tấm danh thiếp từ Google có thể giúp tôi làm điều đó.

CNTT bắt đầu được dạy trong các trường học tại Việt Nam từ lớp 2. Học sinh được dạy những điều cơ bản, trong đó có cách sử dụng và bảo quản đĩa mềm. Đến năm lớp 3, chúng sẽ được học cách sử dụng Windows.

100% trường học ở Việt Nam sử dụng Windows XP và chúng đều là Windows lậu. Tuy nhiên, với việc một bản Windows có bản quyền có chi phí bằng cả tháng lương, điều này là dễ hiểu. Học sinh được dạy để sử dụng Microsoft Word. Với hầu hết các phần mềm, ngôn ngữ chính đều là tiếng Anh, điều này gây ra không ít khó khăn đối với học sinh ở lứa tuổi đó.

Kỹ sư Google 'choáng' với khả năng CNTT của học sinh VN - 2

Anh Neil đặc biệt ấn tượng với cách dạy và học bộ môn CNTT tại các trường tiểu học ở Việt Nam.

Đến năm lớp 4, các em học sinh được học lập trình bằng Logo, bắt đầu với các câu lệnh và tạo ra các vòng lặp. Sang đến lớp 5, chúng tiếp tục học cách viết thủ tục tạo đường tròn. Đến đây, tôi nhanh chóng liên tưởng đến học sinh tại Mỹ. Trong những chuyến thăm đến San Francisco, tôi thấy hầu hết học sinh lớp 11-12 đều chưa hiểu gì về các vòng lặp.

Phải nói rằng, tôi rất ấn tượng với cách dạy học tại các trường tiểu học ở Việt Nam. Khi được hỏi tôi có thể giúp gì không, câu trả lời mà tôi không ngờ đến đó là “phần mềm”. Các khóa học về phần mềm gần như không tồn tại ở Việt Nam, và nếu có tồn tại, không có nguồn kinh phí nào để mua những phần mềm đó.

Nếu như một học sinh lớp 5 có thể làm những việc của học sinh lớp 11 tại Mỹ, tôi tự hỏi học sinh lớp 11 tại Việt Nam sẽ làm được gì. Tôi tìm đến một ngôi trường cấp III và bắt gặp các học sinh lớp 11 đang làm bài tập (về CNTT).

Kỹ sư Google 'choáng' với khả năng CNTT của học sinh VN - 3

Bài tập của học sinh lớp 11 tại Việt Nam có độ khó tương đương với 1 trong 3 bài test kỹ năng khó nhất khi tuyển người của Google.

Sau khi trở lại Mỹ, tôi hỏi một kỹ sư cao cấp của Google rằng anh ta xếp bài tập đó ở vị trí nào trong các bài test phỏng vấn của Google. Anh ta cho biết, nó có thể nằm trong top 3 câu hỏi cuối cùng. Các bạn học sinh ở Việt Nam có 45 phút để thiết kế một giải pháp cho bài tập đó trên nền Pascal. Hầu hết đều hoàn thành đúng thời gian, chỉ có một số ít cần thêm khoảng 5 phút. Không còn nghi ngờ gì nữa, hơn một nửa số học sinh lớp 11 đủ sức vượt qua các bài test kỹ năng của Google.

Tôi tìm đến các lớp học tại Việt Nam để xem có thể giúp gì cho học sinh ở đây, nhưng chính tôi đã học được nhiều điều ở chúng. Có một điểm đáng chú ý nữa là việc phổ cập CNTT mới chỉ diễn ra tại Việt Nam được vài năm.

Tại Mỹ, các trường học thường đấu tranh để loại bỏ môn khoa học máy tính để tập trung cho những môn chính như tiếng Anh và toán. Giáo viên cũng từ chối dạy môn này, bởi trong hầu hết các trường hợp, học sinh không hiểu họ đang giảng thứ gì. Thay vào đó, họ dạy thao tác văn bản và giới thiệu các website, nhưng vẫn gọi đó là khoa học máy tính. Trong khi đó, mọi việc hoàn toàn trái ngược ở Việt Nam. Trường học, học sinh, giáo viên và phụ huynh, họ có một niềm đam mê với khoa học máy tính đến mức tôi không thể ngờ được".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Infonet
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN