Kỷ lục: Lỗ đen 13,2 tỉ tuổi “xuyên không” đến Trái Đất, đang lớn lên

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Một lỗ đen quái vật khối lượng gấp 10 triệu lần Mặt Trời đã phô bày hình ảnh vượt thời gian từ thế giới hơn 13,2 tỉ năm trước, cho thấy nó đang ngấu nghiến "buổi bình minh" vũ trụ.

Theo Science Alert, kết quả phân tích các quan sát của siêu kính viễn vọng không gian James Webb tiếp tục hé lộ thêm một thành viên của "thế giới quái vật" trong buổi bình minh vũ trụ. Đó là lỗ đen cổ đại nhất mà nhân loại từng biết, ra đời sau vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ chỉ 570 triệu năm.

Ảnh đồ họa mô tả một lỗ đen quái vật đang phát sáng - Ảnh: TECHNOPIXEL

Ảnh đồ họa mô tả một lỗ đen quái vật đang phát sáng - Ảnh: TECHNOPIXEL

James Webb, được phát triển và điều hành chính bởi NASA, với sự hỗ trợ của ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada) là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới với tầm mắt đủ xa để thu những hình ảnh "xuyên không" từ vũ trụ sơ khai.

Vật thể vừa phát hiện lộ diện bên trong một trong những thiên hà sớm nhất từng được xác định, là CEER_1019 (tên cũ EGSY8p7).

Lỗ đen quái vật này và thiên hà chứa nó nằm cách xa chúng ta hơn 13,2 tỉ năm ánh sáng, cũng có nghĩa là ánh sáng từ nó đã mất chừng ấy thời gian để đi đến được ống kính của James Webb đang bay quanh Trái Đất.

Như vậy, hình ảnh các nhà khoa học thấy về quái vật này là hình ảnh của quá khứ 13,2 tỉ năm trước, điều sẽ giúp họ mở cánh cửa thời gian về vũ trụ buổi bình minh và hiểu được cách làm thế nào các lỗ đen sớm có thể phát triển lớn và nhanh như vậy.

Trong nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên arXiV và đang chờ bình duyệt để xuất bản chính thức trên The Astrophysical Journal, nhà vật lý thiên văn Rebecca Larson từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) khẳng định lỗ đen này đang lớn lên.

Nó đang ngấu nghiến điên cuồng vật chất còn hạn hẹp trong vũ trụ sơ khai mà nó thuộc về, tạo nên một điểm phát xạ rộng, bất thường, dù vẫn là phát xạ Lyman-alpha hay gặp trong quá trình ion hóa hydro trung hòa khi hình thành sao, nhưng lại không phải sự hình thành sao.

Lỗ đen quái vật kỳ lạ được xác định từ đó, không phải cái lớn nhất, nhưng là cái cổ xưa nhất. Nó và thiên hà chứa nó có thể đại diện cho bước trung gian giữa các vật thể cổ xưa nhất với các thiên hà và lỗ đen khổng lồ từng được biết đến vài trăm triệu năm sau đó.

"Thứ chúng tôi tìm thấy có thể là tổ tiên hoặc thứ đã phát triển thành những chuẩn tinh cực kỳ lớn" - tiến sĩ Larson nói. Chuẩn tinh là một ngôi sao "trá hình", thường là lỗ đen siêu khối đang nuốt vật chất dữ dội.

Các nhà nghiên cứu vẫn kỳ vọng các dữ liệu James Webb sẽ tiếp tục hé lộ những gì xa hơn, cổ xưa hơn để hiểu về những thiên hà và lỗ đen ra đời trước cả vật thể "trung gian" này, để hiểu cách vũ trụ bắt đầu.

”Hành tinh chì” nặng hơn 4.000 Trái Đất khiến giới khoa học hoang mang

Xuất hiện cùng hàng loạt đặc điểm kỳ lạ đến khó tin trong tầm mắt "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA, thế giới cách chúng ta 730 năm ánh sáng làm đảo lộn nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN