Kính viễn vọng NASA chụp được vật thể "lẽ ra không tồn tại"
Hiện ra như một bóng ma khổng lồ giữa trời, vật thể lạ lùng không tương tác với bất cứ thứ gì xung quanh nó và đánh đổ nhiều lý thuyết thiên văn.
Theo chuyên san khoa học PHYS, một nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Tim Carleton từ Đại học bang Arizona (Mỹ) đã tìm ra một vật thể "lẽ ra không tồn tại" giữa bộ dữ liệu khổng lồ từ James Webb.
Vật thể lạ hiện ra trước mắt thần của James Webb là một thiên hà cực kỳ đặc biệt - Ảnh: NASA/ESA/CSA
James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới, được phát triển và điều hành chính bởi NASA, phối hợp với các nhóm từ ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada).
Nhờ khả năng quan sát tinh nhạy, nó đã nhìn thấy được một số vật thể chưa từng được biết đến trước đây. Vật thể lạ mà TS Carleton và các cộng sự phát hiện là một ví dụ.
Các phân tích đã xác định vật thể ma quái này là một thiên hà lùn, nhưng thuộc về nhóm thiên hà lùn siêu khuếch tán cực hiếm, chưa từng được xác định rõ ràng trước đây.
Thiên hà lùn - ví dụ như hai thiên hà vệ tinh của thiên hà Milky Way (Ngân Hà) chúng ta là đám mây Magellan Lớn và đám mây Magellan Nhỏ - thường có ít hơn 100 triệu ngôi sao, nhưng cũng đủ để tạo thành một đĩa ánh sáng rực rỡ.
Nhưng vật thể hiện ra trong ống kính James Webb chỉ là chiếc bóng mờ, vắng bóng những ngôi sao sáng.
Nó được đặt tên là PEARLSDG, một kẻ lập dị trong thế giới thiên hà.
Trong hiểu biết trước đây, các nhà thiên văn tin rằng một thiên hà bị cô lập sẽ tiếp tục hình thành các ngôi sao trẻ của riêng nó, hoặc tương tác với một thiên hà lớn hơn. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều không đúng với PEARLSDG.
Bên trong nó là một quần thể sao cũ, cho thấy thiên hà này đã già. Nó ngưng hoàn toàn việc hình thành sao mới và cũng từ chối tương tác với xung quanh.
Do vậy, nó hiện ra như một thế giới rỗng ruột, kỳ ảo thay vì một đĩa ánh sáng.
Các tính toán khoảng cách cho thấy vật thể đặc biệt này nằm cách chúng ta khoảng 98 triệu năm ánh sáng, không quá xa đối với một thiên hà.
Vì vậy, PEARLSDG sẽ là một mục tiêu thú vị cho các nghiên cứu tiếp nối, không chỉ nhằm tìm hiểu về một loại thiên hà đặc biệt, mà còn giúp các nhà thiên văn khám phá xem con đường tiến hóa của một thiên hà có thể lạ lùng như thế nào.
Nghiên cứu về PEARLSDG vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.
Siêu Trái Đất TOI-715b chỉ cách chúng ta 137 năm ánh sáng, một khoảng cách đủ gần để khám phá chi tiết.
Nguồn: [Link nguồn]