Kính viễn vọng James Webb của NASA chịu nhiệt độ siêu lạnh ra sao?
NASA vừa có bài kiểm tra quan trọng với kĩnh viễn vọng không gian James Webb trong buồng lạnh về khả năng chịu đựng của thiết bị này trong những điều kiện đặc biệt khắc nghiệt ngoài vũ trụ.
Những phần quan trọng của kính thiên văn James Webb đã được đưa vào thử nghiệm trong buồng lạnh -223 độ C (ảnh Cnet).
Kính viễn vọng James Webb dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2019, đại diện cho thế hệ tiếp theo của kính viễn vọng không gian. Nó là thiết bị mạnh nhất từng được chế tạo và sẽ đón nhận những hình ảnh tiếp theo ngoài vũ trụ, nơi mà kính Hubble và Spitzer đã phải "thúc thủ". Nó được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học tìm kiếm các đầu mối dẫn đến khám phá sự hình thành sớm của vũ trụ.
Điều kiện thử thách được đưa ra với kính viễn vọng không gian thế hệ mới của NASA là “phơi mình” trong nhiệt độ -370 độ F (- 223 độ C). Ở nhiệt độ này, không một người bình thường nào có thể chịu đựng được dù chỉ là trong chốc lát.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại phòng A, Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Texas. Nó có một môi trường chân không nhân tạo đặc biệt và đã được tân trang để giúp mô phỏng các điều kiện khắc nghiệt ngoài vũ trụ. Những phần quan trọng của kính thiên văn James Webb đã được đưa vào đây cùng với một chiếc máy ảnh của NASA để ghi lại những diễn biến bên trong.
Một bức ảnh đã được chụp lại (như kể trên), được phát hành bởi NASA, trông như một bức ảnh chụp lại từ một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng nó cho thấy các yếu tố quan trọng của kính viễn vọng phản ứng như thế nào trong điều kiện cực lạnh có thể sẽ phải đối mặt trong không gian.
NASA cho biết, kính thiên văn đã thu nhỏ lại một cách nhẹ nhàng trong điều kiện lạnh giá của căn phòng. Điều này cho biết, kính thiên văn James Webb hoạt động khá tốt trong môi trường này. Các nhà khoa học hoàn toàn có thể yên tâm cho những dự định khám phá vũ trụ ngay sau khi kính thiên văn này chính thức hoạt động trong tương lai gần.
Trước James Webb, những "người tiền nhiệm" của kính thiên văn thế hệ mới này là Hubble và Spitzer đã thực hiện khá tốt sứ mệnh của mình. Có thể chiêm ngưỡng một vài hình ảnh về vũ trụ "Có một không hai" mà chúng đã ghi lại:
Ảnh được chụp bới kính không gian Hubble từ năm 2009 về tinh vân Carina cho thấy một cột trụ lớn của khí và bụi khi một ngôi sao được sinh ra. Tinh vân này nằm cách chúng ta 7.500 năm ánh sáng.
Kính Hubble đã chụp thiên hà xoắn ốc có tên NGC 4102 vào năm 2014. NASA đã mô tả nó “quyến rũ và duyên dáng”.
Hubble tiếp tục gây ngạc nhiên với các nhà khoa học khi chụp được bức ảnh kỳ diệu này từ không gian vào năm 2010. Bức ảnh có tên “Núi Mystic” gợi nhiều liên tưởng tới “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. “Núi” được tạo bởi bụi vũ trụ và khí nằm trong tinh vân Carina.
Chỉ sau một năm sống trong môi trường không trọng lượng, bạn sẽ có những thay đổi đáng kể.