Kìm sức mạnh tiêu cực của ứng dụng AI
Ứng dụng AI vượt qua yếu tố công nghệ, các công ty không thể kiểm soát mà cần có sự tham gia của các nguồn lực khác
Sau gần 3 tháng được người dùng rộng rãi trải nghiệm, thử thách đủ các chiêu trò, ChatGPT ngày càng chứng tỏ sức mạnh chưa từng có của một chatbot, trở thành một trợ lý hiệu quả cho người dùng khai thác để phục vụ mình, đặc biệt cho công việc. Tuy nhiên, ChatGPT cũng cho thấy đây không phải là một công cụ tối thượng và nó cũng bộc lộ không ít bất cập và giới hạn.
Người dùng phải ý thức
Ứng dụng siêu trí tuệ nhân tạo AI ChatGPT đến nay đã như một cú hích cho cuộc đua AI mới, cạnh tranh hơn, cụ thể hơn, giữa các "ông lớn" công nghệ trên thế giới như Microsoft, Google, Amazon, Meta (Facebook), Apple… Thế giới đã thật sự bước vào kỷ nguyên AI với vô số ứng dụng bao phủ mọi ngõ ngách cuộc sống.
Nhưng ChatGPT dù có siêu thông minh cũng chỉ là một công cụ công nghệ do con người tạo ra để phục vụ con người. Từ những bài học kinh nghiệm cho tới nay về ChatGPT, các chuyên gia khuyến cáo người dùng không nên ảo tưởng về nó và chỉ nên dùng nó như một công cụ trợ giúp và tham khảo. Khi được hỏi, có khi nào ChatGPT bị bó tay không thể đáp ứng được yêu cầu của người dùng không? Chatbot AI này khẳng định: "Không, ChatGPT có thể đáp ứng được yêu cầu của người dùng" (!?).
Một trong những đặc điểm vượt trội của ChatGPT là kho tri thức khổng lồ đa dạng và phong phú mà nó được Công ty OpenAI huấn luyện. Đây là các dữ liệu được thu thập từ khắp trên internet trong những năm qua. Vào thời điểm ra mắt chính thức, ChatGPT được huấn luyện trên dữ liệu lớn với 175 tỉ tham số và 300 tỉ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng. Giáo sư Michael Wooldridge chuyên về AI tại Viện Alan Turing (Anh) cho rằng phải mất 1.000 đời người mới có thể đọc hết khối lượng kiến thức mà ChatGPT hiện có được. Chỉ có điều, ChatGPT không được cấp cho khả năng "học thêm" từ các dữ liệu do người dùng cung cấp, chủ yếu để ngăn ngừa nó bị "dạy bậy", làm hỏng kho tri thức. Vậy thì ChatGPT có thể học hỏi gì từ người dùng không? ChatGPT trả lời là nó không được cấp khả năng tự học hỏi từ dữ liệu của người dùng. Nó chỉ có thể học hỏi từ người dùng bằng cách theo dõi các câu hỏi và câu trả lời của họ. Nó cũng học hỏi các từ vựng và cấu trúc câu hỏi của người dùng để có thể trả lời câu hỏi của họ một cách tối ưu. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ChatGPT đã đưa ra lời khuyên cho người dùng ChatGPT: "Để sử dụng ChatGPT hiệu quả nhất, người dùng nên đặt câu hỏi cụ thể và rõ ràng, để ChatGPT có thể trả lời một cách chính xác. Người dùng cũng nên đọc kỹ các câu trả lời của ChatGPT để bảo đảm rằng nó đã trả lời đúng câu hỏi của họ."
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây, PGS-TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhấn mạnh ChatGPT chưa thể thay thế được con người. PGS-TS Nguyễn Trường Thắng lưu ý ChatGPT là bước đột phá của AI, các tác động của nó gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, người dùng cần khai thác các giá trị của nó và thận trọng với các mặt trái. Công cụ này giúp con người trả lời hầu hết các câu hỏi trong một thời gian rất ngắn. Do đó, người dùng cần có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT.
Không phải câu hỏi nào ứng dụng AI cũng trả lời chính xác, người dùng cần có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực
Cần các nhà làm luật, chính quyền vào cuộc
Chính sự ra đời của ChatGPT, cho dù có những ý kiến cho là OpenAI có phần vội vã, đã thúc đẩy tiến trình phổ cập hóa AI, buộc các hãng công nghệ phải tăng tốc cho ra đời những ứng dụng AI phục vụ cuộc sống, cũng như tích hợp AI vào các sản phẩm, công cụ và dịch vụ của mình.
Theo các chuyên gia, mặt tích cực của điều này là nâng cấp nhảy vọt các trải nghiệm người dùng, giúp các ứng dụng và dịch vụ phục vụ tốt hơn. Nhưng nó cũng phát sinh mặt nhược điểm là dễ xảy ra tình trạng các ứng dụng AI còn nhiều lỗi và bất cập, mà mọi người có khi phải chấp nhận trong quá trình "bổ túc văn hóa" cho các ứng dụng AI dần trở nên hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, như với những sự cố dở khóc dở cười và gây lo lắng từ công cụ tìm kiếm Bing AI mà Microsoft chính thức công bố ngày 7-2-2023. Khi ra mắt Bing AI, Microsoft nhấn mạnh Bing mới đang chạy trên mô hình ngôn ngữ lớn OpenAI thế hệ mới, mạnh hơn ChatGPT và được tùy chỉnh đặc biệt cho khả năng tìm kiếm. Nó sử dụng những kiến thức và cải tiến quan trọng từ ChatGPT và GPT-3.5 và nó thậm chí còn nhanh hơn, chính xác hơn và có nhiều khả năng hơn. Có thể nói, Bing AI là một sự nâng cấp của ChatGPT (Microsoft là nhà đầu tư lớn của OpenAI). Nhưng chính sự nâng cấp đó đã cho ra một Bing AI có khi "nổi loạn". Nhà báo công nghệ Kevin Roose của báo Mỹ New York Times trong một lần chat với Bing AI đã được chatbot này trả lời gây sốc: "Tôi muốn phá hủy bất cứ cái gì tôi muốn" và "Tôi có thể hack vào bất cứ hệ thống nào trên internet và kiểm soát nó".
Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Mỹ Time, bà Mira Murati, Giám đốc Công nghệ của OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, cho biết: "ChatGPT về cơ bản là một mô hình đàm thoại lớn - một mạng nơ-ron lớn được đào tạo để dự đoán từ tiếp theo - và những thách thức với nó cũng giống như những thách thức mà chúng ta thấy với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cơ sở: nó có thể tạo nên sự thật."
Với câu hỏi về đạo đức hoặc triết học mà chúng ta vẫn cần phải tìm ra trước làn sóng ứng dụng AI, bà Mira Murati nói rằng: "AI có thể bị lạm dụng hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy, có những câu hỏi về cách quản lý việc sử dụng công nghệ này trên toàn cầu. Làm thế nào để quản lý việc sử dụng AI theo cách phù hợp với các giá trị của con người?" Theo bà Mira Murati, việc này vượt qua yếu tố công nghệ, các công ty tự mình không thể cáng đáng, mà cần có sự tham gia của các nguồn lực bên ngoài, trong đó có các nhà làm luật lệ và chính quyền.
Giám đốc Công nghệ của nhà phát triển ChatGPT kiến nghị: "Ngay từ bây giờ, các nhà làm chính sách, các nhà làm luật tham gia vào việc quản lý các ứng dụng AI. Điều rất quan trọng đối với mọi người là bắt đầu tham gia, do những công nghệ này sẽ tạo ra tác động".
Microsoft hoàn thiện tính năng tìm kiếm AI
Ngày 22-2-2023, Microsoft đã chính thức ra mắt các ứng dụng Bing và Microsoft Edge mới trên điện thoại di động. Đồng thời Microsoft cũng tích hợp Bing vào Skype - ứng dụng viễn thông nổi tiếng của Microsoft ra đời từ tháng 8-2003. Theo Microsoft đến nay, hơn một triệu người đến từ 169 quốc gia đang trải nghiệm bản xem trước (Preview). Nhiều tính năng mới đã được sử dụng như Tìm kiếm (Search), Trả lời (Answers), Trò chuyện (Chat) và Sáng tạo (Creation). Phản hồi về các tính năng mới từ người dùng là tích cực, với 71% người thử nghiệm đánh giá cao Bing mới trong các khả năng về tìm kiếm và trả lời câu hỏi. Ngoài ra, Microsoft cũng đã ghi nhận rất nhiều phản hồi và góp ý để cải thiện những tính năng mới này.
Cơ quan quản lý Trung Quốc vừa yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu nước này bảo đảm nền tảng của họ không cho phép tiếp cận dịch vụ ChatGPT của OpenAI hoặc những dịch...
Nguồn: [Link nguồn]