Kiếm bộn từ cửa hàng ảo

Sự kiện: Công nghệ

Khai thác những tính năng tiện ích của bán hàng trực tuyến như tiếp thị nội dung, tiếp thị lan tỏa để đẩy mạnh bán hàng.

Không có một cửa hàng thực tế nào nhưng Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc Công ty Ẩm thực nhà Bu, đã chọn cách khai thác triệt để công nghệ tiếp thị qua mạng để bán bánh bột lọc, mang về doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

Không tốn 1 đồng quảng cáo

Từ nghề làm bánh bột lọc của gia đình, Nguyễn Duy Vĩ đã quyết định khởi nghiệp bán món bánh truyền thống theo cách riêng của mình. Là dân chuyên ngành marketing (tiếp thị), 6 năm trước, chàng trai 8X này thấy rõ sức ảnh hưởng khủng khiếp của mạng xã hội Facebook với người dùng Việt Nam nên đã lập fanpage trên Facebook để đẩy mạnh doanh số kinh doanh.

Thời điểm đó, việc mua sắm trên Facebook cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu và chi phí chạy quảng cáo trên mạng xã hội này cũng khá cao. Trong những ngày đầu mở "cửa hàng ảo" để bán hàng, việc quyết định sử dụng nền tảng nào để bán hàng đối với Vĩ là điều khá khó khăn. Chia sẻ về chiến lược quảng bá sản phẩm, Vĩ cho biết: "Nếu đầu tư website thì chi phí cũng tương tự nên tôi đã dồn sức nghiên cứu, khai thác những tính năng tiện ích của bán hàng trực tuyến là content marketing (tiếp thị nội dung) và viral marketing (tiếp thị lan tỏa)". Vĩ tập trung viết các bài viết hài hước về bánh bột lọc, chọn hình ảnh hấp dẫn, kích thích người dùng trên fanpage. Đặc biệt, chàng trai này đã xây dựng cho thương hiệu bánh của gia đình bằng câu hashtag #giakhongdoi (giá không đổi) để người dùng nhớ về sản phẩm của mình. "Khách hàng rất thích thú khi đọc các bài viết, từ đó họ quyết định mua hàng để dùng thử và trở thành khách hàng quen thuộc" - Vĩ kể lại thành quả từ chiến lược tiếp thị của mình.

Để sản phẩm nhanh chóng lan tỏa, ngay từ những ngày đầu, Vĩ đã áp dụng một chính sách bán hàng vô cùng "chảnh" và táo bạo: khách phải đặt mua 20 bánh một lần (số lượng có hạn), chỉ đặt hàng được vào 3 ngày trong tuần và không giao hàng. Lý do theo Vĩ, một người không thể ăn hết 20 cái nên phải rủ thêm người ăn cùng hoặc cùng nhau mua; chỉ bán 3 ngày trong tuần để tạo nên sự mong đợi, khi nhận được bánh, khách hàng thường có xu hướng khoe trên Facebook nên nhiều người biết; không giao hàng để khách hàng đến nhà mình, tận mắt thấy việc làm bánh an toàn cũng như các sản phẩm khác của Ẩm thực nhà Bu.

Những chiến lược sáng tạo và táo bạo nêu trên đã giúp bánh bột lọc nhà Bu trở thành một hiện tượng vào thời điểm đó. Dù chỉ bán trực tuyến nhưng lúc cao điểm, Ẩm thực nhà Bu đã phục vụ hơn 5.000 bánh/tuần và hơn 1.000 cây chả. Doanh thu mỗi tháng lên đến hơn 100 triệu đồng. Mỗi năm, Ẩm thực nhà Bu phục vụ cho hơn 10.000 thực khách. Đặc biệt, chiến lược này còn giúp "chàng Bu" tiết kiệm chi phí quảng cáo vô cùng lớn. Theo tiết lộ của Vĩ, trong 6 năm vừa qua, hầu như chi phí quảng cáo bằng 0.

Người dùng đặt bánh bột lọc Ẩm thực nhà Bu trên di động. Ảnh: NGỌC TRINH

Người dùng đặt bánh bột lọc Ẩm thực nhà Bu trên di động. Ảnh: NGỌC TRINH

Hoàn thiện quy trình

Theo xu hướng mua bán hàng qua mạng ngày càng phổ dụng hiện nay, Vĩ cho biết sắp tới sẽ áp dụng các nền tảng công nghệ mới của thương mại điện tử vào việc kinh doanh.

Cụ thể, Ẩm thực nhà Bu sẽ phối hợp với nền tảng của Haravan để quản lý và điều hành hệ thống. Khi khách hàng đặt hàng chỉ cần điền tên, địa chỉ, số điện thoại thì hệ thống sẽ tự động tính toán quãng đường từ đại lý gần nhất và đưa ra phí giao hàng. Khi khách hàng đồng ý, lệnh mua sẽ được chuyển về đại lý gần nhất, đại lý xác nhận thì đơn hàng sẽ được chuyển qua đối tác giao nhận để chuyển đến khách hàng. "Việc này giúp khách hàng giảm thiểu thời gian chờ và tiết kiệm tối đa chi phí giao hàng, đồng thời giúp các hệ thống phân phối dễ dàng kiểm soát đơn hàng" - Vĩ nhận xét.

Định hướng phát triển trong tương lai, Vĩ cho biết sẽ đầu tư mạnh các phần mềm quản lý kho, khách hàng để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hạn chế rủi ro thất thoát. "Tôi cũng sẽ phát triển một ứng dụng riêng, kết nối các điểm bán hàng với hệ thống dữ liệu của Ẩm thực nhà Bu. Việc này quản lý hiệu quả số lượng đơn hàng, tồn kho, đặt hàng nhanh hơn... Đồng thời, chuẩn bị cho việc xuất khẩu các món bánh Việt Nam ra các thị trường Đông Nam Á và quốc tế" - Vĩ cho biết. 

Thu hút các nhà đầu tư

Mới đây, Ẩm thực nhà Bu đã nhận được vốn từ một số nhà đầu tư tại TP HCM. Chi tiết về khoản đầu tư này không được tiết lộ (theo thỏa thuận hợp đồng) nhưng Nguyễn Duy Vĩ cho biết sẽ sử dụng nguồn lực này để mở rộng và phát triển Công ty Ẩm thực nhà Bu. Anh Đặng Hoàng Minh, Giám đốc điều hành App Now, chia sẻ: "Now App luôn muốn đồng hành cùng các start-up trong ngành ẩm thực để đưa sản phẩm của mình đến với số đông thực khách. Việc hợp tác với Ẩm thực nhà Bu là một trong những chiến lược của App Now nhằm đưa đến khách hàng những món ăn truyền thống chất lượng cao và đa dạng".

Nguồn: [Link nguồn]

Khởi nghiệp có “chất gây nghiện”, đừng thử khi chưa đủ hiểu biết

Với Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc công ty khởi nghiệp Ẩm thực nhà Bu, khởi nghiệp cũng giống như khi bạn chơi một canh bạc....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LONG HẢI ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN